13:29 19/04/2017

Đội tàu chiến Mỹ không tới bán đảo Triều Tiên như Trump “dọa”

Bình Minh

Đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng ông đã cử một “hạm đội” tới gần bán đảo Triều Tiên

Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson di chuyển qua eo biển Sunda, Indonesia, ngày 15/4 - Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.<br>
Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson di chuyển qua eo biển Sunda, Indonesia, ngày 15/4 - Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.<br>
Đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng ông đã cử một “hạm đội” tới gần bán đảo Triều Tiên như một sự cảnh báo đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, nhóm chiến hạm mà Trump nói tới vẫn còn cách rất xa bán đảo Triều Tiên, và thậm chí còn di chuyển theo hướng ngược lại.

Vào cuối tuần vừa rồi, đội tàu được dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm Carl Vinson tiếp tục dịch chuyển xa hơn khỏi bán đảo Triều Tiên, đi qua eo biển Sunda, Indonesia và ra Ấn Độ Dương.

Cùng thời điểm, Triều Tiên “khoe” một loạt tên lửa mới trong cuộc diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành và thực hiện thêm một vụ phóng tên lửa đạn đạo nhưng thất bại.

Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương ngày 18/4 giải thích rằng nhóm chiến hạm trước tiên phải hoàn tất một kỳ huấn luyện ngắn hơn dự kiến với Australia. Tuy nhiên, nhóm chiến hạm hiện đang “di chuyển về phía Tây của Thái Bình Dương như được yêu cầu”, bộ chỉ huy cho hay.

Những thông tin trái chiều này về sự di chuyển của nhóm chiến hạm Mỹ đã khiến giới chuyên gia về Triều Tiên ngạc nhiên. Họ lo ngại sự thiếu nhất quán thông tin có thể xói mòn niềm tin vào chính quyền Trump vào thời điểm mà những lời cảnh báo “hùng hồn” của Mỹ về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang.

“Nếu họ đe dọa và lời đe dọa của họ rốt cục không đáng tin, thì điều đó sẽ chỉ làm suy yếu những chính sách của họ, cho dù đó là chính sách như thế nào. Đây có thể chính là một kết luận logic về những gì vừa xảy ra”, ông Joel Wit, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc nhóm quan sát 38 North, nhận định.

38 North có trụ sở ở Washington và được điều hành bởi Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins.

Lúc đầu, trong một tuyên bố ra ngày 10/4, quân đội Mỹ nói đô đốc Harry Harris, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đã lệnh cho nhóm chiến hạm Carl Vinson “di chuyển về phía Bắc và báo cáo về điểm dừng ở Tây Thái Bình Dương”.

Ngày 11/4, Reuters và các hãng tin, tờ báo khác nói nhóm tàu này sẽ mất hơn 1 tuần để đến nơi. Hải quân Mỹ, viện lý do an ninh, nói sẽ không công bố về địa điểm hoạt động trong tương lai của tàu bè.

Sau đó, trong ngày 11/4, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tỏ ra “mập mờ” về việc điều nhóm chiến hạm tới bán đảo Triều Tiên, nói rằng nhóm Carl Vinson “chỉ đang di chuyển lên đó vì đó là nơi mà chúng tôi cho rằng điều nhóm tàu này tới lúc này là khôn ngoan nhất”.

“Không có một tín hiệu yêu cầu cụ thể hay lý do cụ thể nào về việc vì sao chúng tôi cử đội tàu lên đó”, ông Mattis nói.

Nhưng thậm chí cả ông Mattis ban đầu cũng nói nhầm về hành trình của nhóm chiến hạm. Trong một cuộc họp báo, ông nói nhóm Carl Vinson đã rút khỏi một cuộc tập trận với Australia.

Sau đó, Lầu Năm Góc đã đính chính thông tin, kế hoạch ban đầu của nhóm tàu về thăm cảng ở Fremantle, Australia đã bị hủy, chứ không phải nhóm tàu hủy tập trận với hải quân Australia.

Ngày 15/4, Hải quân Mỹ thậm chí còn công bố một bức ảnh cho thấy nhóm chiến hạm trên đang di chuyển qua eo biển Sunda. Từ ngày 16-18/4, trang web của Hải quân Mỹ đưa tin Carl Vinson đang ở Ấn Độ Dương.

Một quan chức quân sự Mỹ đề nghị giấu tên nói rằng nhóm tàu đã tiến hành tập trận sau khi đi qua eo biển Sunda, và sẽ hoàn tất cuộc tập trận trong tuần này.