15:36 10/10/2014

Đồng tiền của Nga đang mất giá mạnh nhất thế giới

Diệp Vũ

Ngân hàng Trung ương Nga liên tục bán ra USD để giữ giá đồng Rúp

Tổng thống Nga Vladimir Putin.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin.<br>
Theo tin từ Bloomberg, vào ngày 8/10, Ngân hàng Trung ương Nga bán ra 1,5 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để chặn đà xuống dốc của tỷ giá đồng Rúp. Đây là động thái can thiệp thị trường tiền tệ mạnh nhất của Moscow kể từ trước đợt can thiệp 4,41 tỷ USD trước khi Crimea trưng cầu dân ý về gia nhập Nga hồi tháng 3.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia do Bloomberg thực hiện, trong ngày hôm qua (9/10), Ngân hàng Trung ương Nga rút thêm ít nhất 1 tỷ USD nữa để hỗ trợ đồng Rúp.

Từ tháng 6 đến nay, Rúp Nga đã trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới do các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Moscow cũng như sự giảm giá liên tục của dầu thô - mặt hàng xuất khẩu chủ chốt Nga.

Trong phiên giao dịch ngày 9/10 tại thị trường New York, giá dầu thô Brent đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 90 USD/thùng trong 2 năm. Xuất khẩu dầu thô và khí đốt đóng góp khoảng 1 nửa nguồn thu ngân sách Chính phủ Nga.

Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Nga, từ nay đến cuối tháng 12, các công ty của Nga sẽ phải thanh toán số nợ gần 55 tỷ USD. Đồng Rúp lao dốc khiến việc thanh toán số nợ này ngày càng trở nên khó khăn đối với các công ty Nga.

Tình trạng khan hiếm ngoại tệ ở Nga đã đẩy khoản chênh lệch mà giới giao dịch tiền tệ trả để đổi đồng Rúp sang USD lên mức cao kỷ lục. Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty nước ngoài làm ăn tại Nga ngày càng sa sút.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, từ tháng 9 tới nay, nước này đã chi tổng cộng 3,35 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp. Con số này chưa tính đến các động thái can thiệp có thể đã được thực hiện trong ngày hôm qua và hôm nay. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga nâng biên độ giao dịch trên giữa đồng Rúp với rổ tiền tệ mục tiêu gồm đồng USD và đồng Euro thêm 15 Kopek lên 45 Kopek.

Sáng nay (10/10) theo giờ Moscow, tỷ giá đồng Rúp tiếp tục giảm. Vào lúc hơn 10h giờ Moscow, đồng Rúp mất giá 0,2% so với đồng USD, còn 40,2 Rúp đổi 1 USD.

Đồng tiền mất giá và nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô suy giảm đồng nghĩa với áp lực đè nặng lên dự trữ ngoại hối của Nga. Từ đầu năm đến ngày 3/10 vừa qua, dự trữ ngoại hối của nước này giảm 57 tỷ USD, còn 454,7 tỷ USD.

Ngân hàng Trung ương Nga can thiệp vào thị trường ngoại hối mỗi khi biên độ giao dịch trên của tỷ giá bị phá vỡ. Mỗi bước nhảy 5 Kopek của biên độ giao dịch đồng nghĩa với cơ quan này phải bán ra 350 triệu USD.