12:18 24/07/2016

Dòng tiền lại ồ ạt chảy vào các thị trường mới nổi

Diệp Vũ

Trong vòng một năm nay, chưa có tuần nào mà vốn lại chảy mạnh vào các thị trường mới nổi như vậy

Tuy nhiên, lượng vốn ròng chảy vào thời gian qua chưa đủ bù đắp lượng 
vốn ròng rút khỏi các thị trường mới nổi từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, lượng vốn ròng chảy vào thời gian qua chưa đủ bù đắp lượng vốn ròng rút khỏi các thị trường mới nổi từ đầu năm đến nay.
Các dòng vốn lại đang chảy mạnh vào các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây để mua cổ phiếu và trái phiếu, trang CNN Money dẫn một báo cáo của công ty nghiên cứu EPFR thuộc ngân hàng Bank of America cho biết.

Theo báo cáo này, trong tuần từ 14-20/7, một lượng vốn kỷ lục 4,9 tỷ USD đã đổ vào thị trường trái phiếu các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nam Phi và Ấn Độ. Ngoài ra, 4,7 tỷ USD nữa đã được giới đầu tư toàn cầu chi để mua cổ phiếu tại các thị trường này trong cùng khoảng thời gian.

Trong vòng 1 năm nay, chưa có tuần nào mà vốn lại chảy mạnh vào các thị trường mới nổi như vậy.

Điều này trái với xu hướng mấy năm qua khi giới đầu tư rút vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi - những quốc gia chịu sức ép suy giảm tăng trưởng từ sự suy giảm của giá hàng hóa cơ bản như dầu, quặng sắt và đồng. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư đang đặt cược rằng tình hình của các nền kinh tế mới nổi đã chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

“Các nền kinh tế này hiện nay đã vững vàng hơn so với cách đây 1 năm”, ông Jamie Anderson, nhà quản lý quỹ thuộc công ty Tierra Funds, nhận định. “Các số liệu trên thực tế cho thấy các nền kinh tế này đang trong quá trình thoát đáy”.

Tuy nhiên, lượng vốn ròng chảy vào thời gian qua chưa đủ bù đắp lượng vốn ròng rút khỏi các thị trường mới nổi từ đầu năm đến nay. Hầu hết sự thoái vốn này diễn ra vào tháng 1-2/2016 khi giá dầu rớt xuống đáy. Kể từ đó, giá dầu và nhiều hàng hóa cơ bản khác đã có sự hồi phục.

Giờ đây, các nhà đầu tư lại trở nên bi quan hơn về chứng khoán Mỹ và châu Âu. Lượng vốn ròng chảy khỏi hai thị trường này đã lên tới khoảng 67 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

Theo EPFR, có ba yếu tố chính khiến các nhà đầu tư bị các thị trường mới nổi thu hút trở lại sau mấy năm họ “lạnh nhạt” với các thị trường này.

Yếu tố thứ nhất là lãi suất ở Mỹ thấp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức thấp lâu hơn dự kiến ban đầu. Dù kinh tế Mỹ phát đi nhiều số liệu tốt thời gian gần đây, giới quan sát cho rằng FED có thể chỉ tăng lãi suất 1 lần trong năm 2016, thậm chí là không tăng.

Thứ hai, giá hàng hóa cơ bản đã hồi phục, kéo giá cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán mới nổi tăng theo. Từ đầu năm đến nay, chỉ số MSCI Emerging Market Index tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu.

Và thứ ba, giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi hiện khá rẻ, với hệ số giá/thu nhập (P/E) vào khoảng 12 lần. P/E của chứng khoán Mỹ là 17 lần, trong khi của chứng khoán châu Âu là 15 lần bất chấp tác động bất lợi của vụ Brexit.