14:02 06/04/2015

Hàn Quốc đau đầu vì dân “không chịu tiêu tiền”

DIỆU MINH

Những thay đổi về cơ cấu dân số tại Hàn Quốc là nguyên nhân chính khiến cắt giảm lãi suất không thể thúc đẩy tiêu dùng

Tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Hàn Quốc được dự báo tăng từ 13% hiện nay lên 32% vào năm 2040 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Hàn Quốc được dự báo tăng từ 13% hiện nay lên 32% vào năm 2040 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Dân số Hàn Quốc đang già đi và người dân chi tiêu ít hơn, khiến mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của ngân hàng trung ương nước này trở nên khó khăn.

Cũng như khoảng 7,6 triệu người cao tuổi ở Hàn Quốc, ông Cho Woang Lae, một kỹ sư nghỉ hưu ở Seoul, cho rằng việc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cắt giảm lãi suất không những không giúp ích được gì, mà còn có hại.

Các nguyên lý kinh tế không có ý nghĩa với ông Cho. Lãi suất thấp ở mức kỷ lục không khiến ông có ý định vay để tiêu dùng hay đầu tư. Đối với ông, ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất có nghĩa là phần lãi ông hưởng từ khoản tiết kiệm 300 triệu won (276.000 USD) sẽ bị hao hụt.

“Người ta bảo tôi nên đầu tư vào chứng khoán, nhưng tôi không biết gì nhiều về chứng khoán, và tôi vẫn thích gửi tiết kiệm hơn. Tôi cảm thấy mình cần chuẩn bị cho một kỷ nguyên lãi suất thấp. Điều này khiến tôi cân nhắc hơn mỗi khi mua sắm gì đó, hay đi ăn uống ở nhà hàng,” ông nói.

Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã cắt giảm lãi suất ba lần, xuống mức thấp nhất lịch sử 1,75%. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy tiêu dùng trong nước khá lên trong khi năm ngoái, tiết kiệm hộ gia đình tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, theo hãng tin Bloomberg.

“Những thay đổi về cơ cấu dân số tại Hàn Quốc là nguyên nhân chính khiến cắt giảm lãi suất không thể thúc đẩy tiêu dùng. Nếu bạn cho rằng bạn sẽ sống thọ hơn và không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, bạn sẽ có ít động lực để tăng chi tiêu, dù lãi suất thấp,” nhà nghiên cứu Kim Seong Tae tại Viện Phát triển Hàn Quốc, nói.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Lee Ju Yeol biết về vấn đề này. Ông từng nói các yếu tố mang tính cấu trúc, bao gồm dân số già nhanh, rõ ràng đã làm thay đổi chiều hướng chính sách tiền tệ tác động lên nền kinh tế. Ông cũng nói rằng vấn đề lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế của Hàn Quốc là cầu trong nước yếu, chứ không phải các vấn đề
liên quan đến xuất khẩu.

Tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Hàn Quốc được dự báo tăng từ 13% hiện nay lên 32% vào năm 2040.

Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác đang gặp phải thách thức tương tự do dân số già đi. Để giải quyết vấn đề này, các nhà kinh tế đang nghiên cứu mọi thứ từ thói quen tiêu dùng của những người nghỉ hưu như ông Cho cho đến sức nặng của lá phiếu của họ trong mỗi cuộc bầu cử, cũng như tác động của họ với các chỉ số kinh tế như tỷ lệ tham gia lao động hay tiền lương danh nghĩa.

Theo nhà nghiên cứu Park Jong Kyu tại Viện Tài chính Hàn Quốc, giảm lãi suất chỉ có tác động rõ rệt đến thị trường nhà đất và chứng khoán, trong khi có rất ít tác dụng với tiêu dùng trong nước.

“Với dân số già đi, chúng tôi ngày càng có ít người trong độ tuổi lao động và ngày càng nhiều người nghỉ hưu, khiến tổng thu nhập giảm so với trước. Nhiều khả năng là sẽ không thể đưa tiêu dùng trở về mức như trước đây,” ông Park nhận định.