17:43 19/10/2016

Hãng dầu lửa khổng lồ của Venezuela cảnh báo vỡ nợ

An Huy

Tập đoàn PDVSA - “cỗ máy in tiền” lớn nhất của Venezuela - cảnh báo có thể vỡ nợ trái phiếu vào tuần tới

PDVSA đến nay vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ trái phiếu về hoãn thời hạn trả nợ 3 năm.
PDVSA đến nay vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ trái phiếu về hoãn thời hạn trả nợ 3 năm.
Tập đoàn dầu khí quốc doanh khổng lồ Petroleos de Venezuela S.A. (PDVSA) - vốn được coi là “cỗ máy in tiền” lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên dầu lửa - cảnh báo có thể vỡ nợ trái phiếu vào tuần tới.

Theo tin từ CNN Money, PDVSA đến nay vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ trái phiếu về hoãn thời hạn trả nợ 3 năm. Công ty này cho biết sẽ cố xin gia hạn lần thứ ba để thuyết phục chủ nợ chấp nhận một thỏa thuận vào đêm ngày thứ Sáu. PDVSA cảnh báo nếu không có thỏa thuận, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ.

“Nếu các đề xuất trao đổi không được chấp nhận, công ty khó có thể thanh toán đúng hạn các khoản nợ hiện tại”, PVDSA nói trong một tuyên bố.

Tập đoàn này sẽ tới hạn phải trả số nợ 1,6 tỷ USD bao gồm cả gốc lẫn lãi vào ngày 28/10, và tiếp tục phải thanh toán 2,9 tỷ USD vào ngày 2/11. Cả hai khoản nợ này đều là nợ trái phiếu.

Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng PVDSA chỉ đang “dọa” nhằm mục đích đạt thỏa thuận với các chủ nợ. “Tôi không cho là họ chuẩn bị cho tình huống vỡ nợ. Đây có lẽ chỉ là một lời đe dọa thôi. Điều đáng ngại chính là việc họ bắt đầu nói đến chuyện vỡ nợ”, ông Siobhan Morden, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư trái phiếu thuộc Nomura Holdings, nhận xét.

Venezuela hiện đang đàm phán để được các chủ nợ, tức các nhà đầu tư trái phiếu, nhất trí hoán đổi lượng trái phiếu trị giá 5,3 tỷ USD đáo hạn vào năm 2017 thành trái phiếu đáo hạn vào năm 2020. Việc hoán đổi như vậy đồng nghĩa với lùi thời hạn trả nợ 3 năm cho Caracas.

Tuy nhiên, PDVSA chưa thuyết phục được đủ số nhà đầu tư chấp nhận đề xuất này. Đó là lý do khiến tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s mới đây cắt giảm điểm tín nhiệm của PDVSA xuống mức chỉ cách ngưỡng vỡ nợ có 2 bậc.

Không chỉ là một công ty dầu lửa, PDVSA còn là “nguồn sống” của Venezuela. Xuất khẩu dầu lửa chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này và là nguồn tiền mặt mà Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đang rất cần để trang trải cho việc nhập khẩu thực phẩm và thuốc men.

Do các biện pháp quản lý sai lầm và thiếu đầu tư, sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm. Nhiều công ty dịch vụ dầu khí nước ngoài đã giảm hoạt động tại Venezuela do không được thanh toán đầy đủ.

Dù sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, Venezuela đang chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng cạn kiệt thực phẩm, thuốc men và tiền mặt. Cuộc khủng hoảng còn có thể trở nên tồi tệ hơn nếu PDVSA vỡ nợ.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kinh tế Venezuela có thể suy giảm 10% trong năm nay và lạm phát có thể lên tới 475%. Một số tổ chức khác cho rằng lạm phát ở nước này đã ở ngưỡng 700% và sẽ lên tới 1.500% vào năm tới.

Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Venezuela, đã dừng cho Chính phủ nước này vay tiền.

Trong bối cảnh như vậy, Quốc hội Venezuela do phe đối lập cầm quyền kiểm soát đang tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm lật đổ Tổng thống Maduro. Vào tháng trước, chỉ trong 1 ngày, đã có hơn 1 triệu người biểu tình phản đối ông Maduro ở Caracas. Tuy nhiên, ông Maduro đang tìm mọi cách để ngăn việc phế truất ông xảy ra.

Dự trữ ngoại hối của Venezuela đang giảm với tốc độ chóng mặt. Ngân hàng Trung ương nước này hiện chỉ còn chưa đầy 12 tỷ USD dự trữ, trong đó chủ yếu là vàng.

Các chuyên gia nói rằng triển vọng đối với nền kinh tế Venezuela đang rất mờ mịt, bởi nước này quá phụ thuộc vào dầu, trong khi giá dầu xuống thấp, sản lượng dầu Venezuela sụt giảm, còn PDVSA đang đối mặt với rủi ro vỡ nợ.

“Nền kinh tế Venezuela đã suy sụp rồi, và mọi chuyện sẽ càng tệ hại hơn nếu xuất khẩu dầu lửa của nước này bị gián đoạn”, ông Morden nhận xét.