09:57 01/07/2015

Hy Lạp vỡ nợ khoản vay 1,6 tỷ Euro từ IMF

Diệp Vũ

Diễn biến này đưa quốc gia vùng Địa Trung Hải vào chung “hàng ngũ” những nước châu Phi như Zimbabwe và Sudan

Người biểu tình ủng hộ EU ở Athens ngày 30/6/2015 - Ảnh: Reuters.<br>
Người biểu tình ủng hộ EU ở Athens ngày 30/6/2015 - Ảnh: Reuters.<br>
Sau cuộc đàm phán “phút chót” với các chủ nợ một lần nữa đổ vỡ, Hy Lạp không thể thanh toán đúng hạn khoản nợ 1,6 tỷ Euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và rơi vào cảnh vỡ nợ.

Theo hãng tin Bloomberg, diễn biến này đưa quốc gia vùng Địa Trung Hải vào chung “hàng ngũ” những nước châu Phi như Zimbabwe và Sudan.

Phát ngôn viên Gerry Rice của IMF cho biết, ban lãnh đạo của định chế này đã được thông báo về việc Hy Lạp đã trễ hạn trả nợ. Tuyên bố này được đưa ra sau thời điểm 18h ngày 30/6 theo giờ Washington, thời hạn chót để Hy Lạp thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ Euro.

Đây cũng là thời điểm hết hạn gói giải cứu mà các chủ nợ quốc tế dành cho Athens. Theo phát ngôn viên Rice, đề nghị của Hy Lạp về gia hạn gói cứu trợ này sẽ được chuyển lên ban lãnh đạo của IMF “theo đúng quy trình”.

Ngày 1/7, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dự kiến sẽ có cuộc họp về hỗ trợ khẩn cấp cho Hy Lạp. Trong cuộc họp này, ECB sẽ phải đánh giá về ảnh hưởng của việc Hy Lạp vỡ nợ  đối với thanh khoản của các ngân hàng nước này. Vụ vỡ nợ của Hy Lạp cũng có thể ảnh hưởng tới địa vị thành viên của Athens trong Eurozone.

Tuy vậy, theo chiến lược gia David Stubbs thuộc quỹ JPMorgan Asset Management có trụ sở ở London, Anh, việc Hy Lạp vỡ nợ không hẳn sẽ dẫn tới việc nước này phải ra khỏi Eurozone. Nếu người dân Hy Lạp bỏ phiếu thuận với các yêu cầu của chủ nợ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 thì nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục ở lại trong Eurozone. Nhưng dù sao, khả năng Athens phải ra khỏi khối đồng tiền chung vẫn đang ở mức cao.

Khoản nợ mà Hy Lạp trễ hạn thanh toán đối với IMF là lớn nhất trong lịch sử của định chế này. Ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn đều nói rằng việc Hy Lạp không trả được nợ đúng hạn cho IMF không cấu thành vỡ nợ vì thuật ngữ này dành cho trường hợp chủ nợ thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Bản thân IMF cũng tránh dùng từ “vỡ nợ” khi nói về trường hợp Hy Lạp.

Tuy vậy, theo hãng tin Reuters, về bản chất, Hy Lạp đã vỡ nợ và trở thành quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ khoản vay từ IMF. Hãng tin này nói rằng, cụm từ “trễ hạn thanh toán nợ” (in arrears) chẳng qua là cách “nói tránh” của từ “vỡ nợ” (default).

Bà Andrea Montanino, một cựu quan chức IMF, nhận định ít có khả năng định chế này đáp ứng đề nghị gia hạn cứu trợ của Hy Lạp.

“Mọi người đã chán ngán [Hy Lạp] cả rồi. Có thể châu Âu sẽ giúp họ, nhưng những tổ chức khác thì không”, bà Montanino phát biểu.

Từ năm 2010 đến nay, bộ ba chủ nợ gồm Liên minh Châu Âu (EU), ECB và IMF đã cấp cho Hy Lạp 240 tỷ USD tiền cứu trợ. Từ năm 2009 đến hiện tại, nền kinh tế Hy Lạp đã suy giảm 25%.