10:41 20/02/2017

IMF tung “phao cứu sinh” 5,5 tỷ USD cho Mông Cổ

Bình Minh

Kinh tế Mông Cổ khó khăn được cho là do phụ thuộc quá nhiều vào khai thác tài nguyên và vay nợ tràn lan

Thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ - Ảnh: EPA/WSJ.<br>
Thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ - Ảnh: EPA/WSJ.<br>
Mông Cổ đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một chương trình giải cứu trị giá 5,5 tỷ USD kéo dài 3 năm nhằm đưa nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia.

“Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), và các đối tác song phương bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ cung cấp khoản hỗ trợ ngân sách và dự án trị giá 3 tỷ USD, trong khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dự kiến cung cấp hạn mức tín dụng 15 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 2,2 tỷ USD, cho Ngân hàng Trung ương Mông Cổ trong ít nhất 3 năm”, hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố ngày 19/1 của IMF cho biết.

Theo kế hoạch, IMF sẽ cung cấp cho Mông Cổ một khoản vay ban đầu 440 triệu USD để nước này thanh toán các khoản nợ sắp đáo hạn. “Tổng trị giá của gói hỗ trợ tài chính từ bên ngoài cho Mông Cổ vì thế sẽ có trị giá khoảng 5,5 tỷ USD”, tuyên bố của IMF viết.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mông Cổ sụt còn 1% vào năm ngoái trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản toàn cầu suy giảm và tăng trưởng kinh tế chững lại ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chính các mặt hàng đồng và than của Mông Cổ. Đầu tư nước ngoài vào Mông Cổ cũng sụt giảm do tranh chấp giữa Chính phủ nước này với hãng khai mỏ Rio Tinto xung quanh mỏ đồng Oyu Tolgoi.

“Phao cứu sinh” của IMF sẽ hỗ trợ cho kế hoạch của Chính phủ Mông Cổ về giải tỏa các áp lực cán cân thanh toán, đồng thời giúp nước này trả các khoản nợ sắp đến hạn, bao gồm khoản nợ trái phiếu 580 triệu USD của Ngân hàng Phát triển Mông Cổ.

Đây là lần thứ 6 kể từ thập niên 1990 IMF ra tay giải cứu Mông Cổ. Kế hoạch giải cứu lần gần đây nhất mà định chế này dành cho Mông Cổ là một kế hoạch dự phòng vào năm 2009-2010.

Trước khi Chính phủ Mông Cổ đạt thỏa thuận với IMF, Quốc hội nước này đã sửa đổi luật về ngân hàng phát triển, với những điều chỉnh theo khuyến nghị của IMF. Theo đó, hoạt động của Ngân hàng Phát triển Mông Cổ sẽ bị phi chính trị hóa, bao gồm quy định các thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng không phải là chính trị gia trong vòng 5 năm trước đó.

Dự trữ ngoại hối của Mông Cổ đã giảm xuống mức 1,3 tỷ USD vào cuối tháng 12 năm ngoái, so với mức 4,1 tỷ USD cùng kỳ năm 2012 - thời điểm mà vốn chảy mạnh vào ngành khai mỏ nước này trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản toàn cầu tăng mạnh.

Năm ngoái, đồng Tugrik của Mông Cổ mất giá 20%, mức giảm giá mạnh thứ 5 trong số đồng tiền các thị trường sơ khai được Bloomberg theo dõi.

Theo giới phân tích, thông tin về gói cứu trợ mà IMF dành cho Mông Cổ sẽ được giới đầu tư đón nhận tích cực. IMF nhận định dữ trữ ngoại hối của Mông Cổ sẽ tăng lên mức 3,8 tỷ USD vào cuối chương trình cứu trợ, và đến năm 2019, tăng trưởng kinh tế nước này sẽ lên mức khoảng 8%.

Thâm hụt ngân sách của Mông Cổ vào cuối năm 2016 ở mức 1,5 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với 1 năm trước đó. Kim ngạch ngoại thương giảm 2,3%, trong khi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng 25%.

Kinh tế Mông Cổ rơi vào khó khăn được cho là xuất phát từ việc nước này phụ thuộc quá nhiều vào khai thác tài nguyên và vay nợ tràn lan.

Một bài báo vào tháng 9/2016 của tờ Wall Street Journal nói rằng, từ chỗ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, chỉ trong vòng vài năm, Mông Cổ đã rơi vào “thế bí” một phần do vay nợ ồ ạt.

Theo bài viết này, mấy năm trước, các quỹ đầu tư trên thế giới mạnh tay gom mua tài sản của Mông Cổ với hy vọng những mỏ đồng và vàng chưa được khai thác của nước này sẽ cho sản lượng lớn. Với sự hào phóng của giới đầu tư, nợ của Mông Cổ tăng thêm 6% chỉ riêng trong tháng 7/2016. Đến tháng 8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mông Cổ đã khiến giới đầu tư toàn cầu sửng sốt khi nói rằng nợ công của nước này sẽ lên tới 78% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu 55%. Tuyên bố này ngay lập tức dẫn tới một đợt bán tháo các tài sản Mông Cổ.

Ngoài ra, theo một số ước tính, đồng chiếm 49% xuất khẩu của Mông Cổ trong năm 2015. Bởi vậy, khi giá hàng hóa, trong đó có đồng, giảm mạnh, vận may của Mông Cổ cũng lao dốc theo. Năm 2011, Mông Cổ còn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với mức tăng 17%, nhờ giá đồng, vàng và quặng sắt tăng vọt.