15:05 17/04/2015

Indonesia sẽ là nền kinh tế “nghìn tỷ đô” ở châu Á

Diệp Vũ

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á - sẽ đạt quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1,14 nghìn tỷ USD vào năm 2017

Nền kinh tế Indonesia đã chứng tỏ được sự vững vàng trong thời gian gần đây, bất chấp giá hàng hóa cơ bản trên toàn cầu giảm sâu.<br>
Nền kinh tế Indonesia đã chứng tỏ được sự vững vàng trong thời gian gần đây, bất chấp giá hàng hóa cơ bản trên toàn cầu giảm sâu.<br>
Indonesia được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế có quy mô đạt trên 1 nghìn tỷ USD tiếp theo tại khu vực châu Á trong vòng hai năm nữa, gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế hàng đầu khu vực gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc.

“Nền kinh tế Indonesia có khả năng tăng trưởng mạnh trong dài hạn, với mức tăng có thể đạt 5,4% trong thời gian từ 2016-2020”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IHS, nhận xét.

Với tốc độ tăng trưởng được dự báo như trên, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á - sẽ đạt quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1,14 nghìn tỷ USD vào năm 2017, từ mức 870 tỷ USD hiện nay.

Đến năm 2023, GDP của Indonesia có thể tăng gấp đôi, lên mức 2,1 nghìn tỷ USD, vượt qua Australia, nền kinh tế hiện có quy mô 1,52 nghìn tỷ USD.

“So sánh trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế của Indonesia sẽ lớn hơn kinh tế Nga, Tây Ban Nha hoặc Hà Lan vào năm 2023”, chuyên gia Biswas nói.

Nền kinh tế Indonesia đã chứng tỏ được sự vững vàng trong thời gian gần đây, bất chấp giá hàng hóa cơ bản trên toàn cầu giảm sâu và chính sách tiền tệ thắt chặt. Yếu tố hỗ trợ chủ yếu cho nền kinh tế này là nhu cầu tiêu dùng nội địa vững nhờ tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và tăng tốc trong năm 2015-2016 nhờ xuất khẩu phục hồi trên cơ sở đồng nội tệ giảm giá và Chính phủ tăng đầu tư công.

Chuyên gia Biswas cho rằng, sự cất cánh của nền kinh tế Indonesia trong thập kỷ tới sẽ có ảnh hưởng lớn về địa chính trị.

Ông Biswas nhận định, nhờ sức mạnh kinh tế gia tăng, Indonesia sẽ có một tiếng nói lớn hơn trong các định chế chính trị và kinh tế quốc tế như nhóm G-20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Liên hiệp quốc.

“GDP của Indonesia gia tăng cũng sẽ tạo ra những cơ hội đầu tư và thương mại song phương ngày càng lớn trong nhiều ngành và lĩnh vực như tài nguyên, sản xuất và dịch vụ”, chuyên gia Biswas nhận xét.

Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Indonesia được dự báo sẽ tăng lên mức 8.700 USD từ mức 3.400 USD hiện nay. Khi đó, nước này sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu dùng mới nổi lớn nhất trên thế giới.

Tuy vậy, theo chuyên gia Biswas, nền kinh tế Indonesia vẫn sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn đối với sự phát triển, bao gồm sự cần thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội việc làm cho một số lượng lớn người dân gia nhập lực lượng lao động mỗi năm.

“Cấu trúc dân số trẻ của Indonesia đồng nghĩa với việc có khoảng 2,4 triệu người bước vào độ tuổi mỗi năm trong thập kỷ tới, đòi hỏi tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh và bền vững để đáp ứng kỳ vọng tìm việc của giới trẻ và tránh rủi ro xảy ra bất ổn xã hội”, ông Biswas nói.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng cần nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.

“Giá những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia giảm mạnh trong năm 2011, đặc biệt là giá than, đã khiến thâm hụt cán cân vãng lai của Indonesia gia tăng. Trong ngắn hạn, triển vọng giá than vẫn còn ở mức thấp”, ông Biswas nhận xét.