01:08 10/05/2007

Kinh tế, môi trường: Hai vấn đề nóng của sông Mekong

Nguyễn Thế Nghiệp

Mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng sông Mekong đang phải đối mặt với không ít vấn đề môi trường

Một ngã ba sông Mekong trên đất Thái Lan.
Một ngã ba sông Mekong trên đất Thái Lan.
Tiểu vùng sông Mekong (GMS) gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản phong phú.

Các nhà lãnh đạo GMS luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch vì sự phát triển của mỗi nước và sự thịnh vượng chung cả khu vực rộng lớn này.

Uỷ hội Sông Mekong Quốc tế (MRC) gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan đã ra đời ngày 5/4/1995 nhằm nghiên cứu, lập kế hoạch phát triển kinh tế tại lưu vực này. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 12 năm thiết lập, đại diện MRC, Tiến sĩ Olive Cogels nói các nước cần ứng dụng những kết quả nghiên cứu trong phạm vi lưu vực sông Mekong.

Thực hiện đa dạng hoá các hình thức hợp tác và cơ chế tham vấn với các đối tác, các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong đã thành lập Hợp tác kinh tế Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar ( CLMV); Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế 3 dòng sông Mekong- Chao Phraya-Ayeyawady (ACMECS) gồm 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar với khoảng 200 triệu dân.

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của ACMECS, các thủ tướng 5 nước thành viên đã xem xét những kết quả đạt được, thông qua chương trình hành động, danh mục các dự án hợp tác 2006-2008 và danh mục 14 dự án ưu tiên kêu gọi các đối tác tài trợ. Các thủ tướng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, nguồn nhân lực và phòng chống dịch bệnh. Các thủ tướng giao cho các bộ trưởng của 5 nước thành viên nghiên cứu thực hiện sáng kiến về việc thành lập Hiệp hội xuất khẩu gạo ACMECS.

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa các nước Tiểu vùng Mekong được thúc đẩy. Nhiều ghềnh đá trên sông Mekong đã được phá bỏ, khơi sâu luồng chảy, việc nạo vét lòng sông đã được tiến hành từ năm 2004, tàu thuyền lớn có thể từ Thái Lan qua Lào, Myanmar đến tận Vân Nam, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, buôn bán hàng hoá giữa các nước trong khu vực. Hoạt động du lịch theo tuyến đường thuỷ giữa Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Lào đã khởi sắc. Các nhà kinh tế cho rằng tuyến vận chuyển đường thuỷ trên sông Mekong đang được lựa chọn có thể thay thế một phần lớn hàng hoá vận chuyển qua eo biển Malaka do an ninh chưa đảm bảo.

Trao đổi thương mại Việt Nam – Lào đạt 240 triệu USD năm 2006, tăng 30% so với năm trước đó và phấn đấu đạt kim ngạch buôn bán 1 tỷ USD năm 2010. Nhờ có 2 cầu hữu nghị bắc quan sông Mekong (cầu Viêng Chăn- Noỏng Khai và cầu Xavanakhet- Mucdahan), đã tăng hàng hoá Việt Nam qua Lào tái xuất tới thị trường các nước trong khu vực. Quan hệ buôn bán Lào- Thái Lan được thúc đẩy, kim ngạch thương mại đạt 1,5 tỷ USD năm 2006 và phấn đấu đạt 2,6 tỷ USD năm 2010.

Trung Quốc đã có 236 dự án đầu tư tại Lào, trị giá 870 triệu USD, trong đó có 171 dự án 100% vốn của Trung Quốc trị giá 330 triệu USD, 65 dự án liên doanh trị giá 540 triệu USD. Năm 2006, kim ngạch 2 chiều đạt 220 triệu USD, trong đó Lào xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 50 triệu USD.

Khai thác những tiềm năng, lợi ích của sông Mekong để phát triển kinh tế của mỗi nước và cả khu vực là cần thiết nhưng phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường, đảm bảo lợi ích chung.

Theo báo cáo mới đây của Uỷ ban liên chính phủ về môi trường, thiên đường Mekong đang bị tác động nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu trái đất ấm lên, các núi băng trên dãy Himalaya tan chảy sẽ gây lụt lội và những trận lở đất đá trong những năm tới. Hoạt động khai thác thái quá của con người đã ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường. Trung Quốc xây dựng nhiều đập lớn trên thượng lưu sông Mekong, xây dựng các nhà máy thuỷ điện cung cấp điện cho Vân Nam, đã làm giảm mạnh nguồn nước sông tại một số nước ở hạ lưu, như Việt Nam, Campuchia và Thái Lan; làm biến mất nhiều loại động, thực vật quý hiếm.

Các tổ chức môi trường quan ngại việc chở dầu trên sông Mekong có thể gây ô nhiễm nguồn nước một khi tàu chở dầu bị sự cố, dầu mỏ chảy ra sông, ảnh hưởng tới cuộc sống của 90 triệu người dọc bên sông sử dụng nguồn nước ngọt. Tổ chức bảo vệ môi trường có tên “Mạng lưới sông ngòi Đông Nam Á”, có trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan) cho rằng tầu buôn qua lại trên tuyến đường thuỷ từ Thái Lan ngược đến tận Vân Nam hoạt động từ năm 2004 đã gây ô nhiễm sông Mekong. Quỹ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) cảnh báo sông Mekong là một trong 5 con sông ở châu Á đang bị đe doạ về nguồn nước giảm mạnh và môi trường ô nhiễm.