12:14 15/04/2015

Kinh tế Trung Quốc tăng chậm nhất 6 năm

Diệp Vũ

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới quý 1 năm nay đã xuống mức 7%

Một khu chợ ở Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc - Ảnh: Reuters.<br>
Một khu chợ ở Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc - Ảnh: Reuters.<br>
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới Trung Quốc trong quý 1 năm nay đã giảm xuống mức 7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ quý 1/2009, do nhu cầu thấp.

Theo hãng tin Reuters, mức tăng trưởng này của kinh tế Trung Quốc phù hợp với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó, nhưng đủ thấp để làm gia tăng những kỳ vọng cho rằng Bắc Kinh sẽ tung thêm các biện pháp kích thích để ngăn không cho nền kinh tế giảm tốc mạnh hơn.

Trong quý 4/2014, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Cũng theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng nay, trong quý 1, kinh tế Trung Quốc tăng 1,3% so với quý 4/2014. Trong quý 4/2014, nền kinh tế này tăng trưởng 1,5% so với quý trước đó.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua tăng 5,6%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 6,9% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Đây là mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp thấp nhất của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Đầu tư tài sản cố định, một động lực chính của kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng 13,5% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất của quý 1 hàng năm kể từ năm 2000.

Bất động sản, một trụ cột khác của nền kinh tế Trung Quốc, cũng đang gặp khó. Bất chấp việc cơ quan chức năng đã nới các hạn chế đối với tín dụng bất động sản và mua nhà, đầu tư địa ốc của Trung Quốc chỉ tăng 8,5% trong quý 1, mức tăng thấp nhất trong 5 năm.

Tuy vậy, thị trường chứng khoán Trung Quốc sáng nay vẫn tăng điểm nhẹ, với chỉ số CSI300 tăng khoảng 0,4%. Giới đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc đại lục kỳ vọng các thống kê kém khả quan sẽ thúc đẩy Chính phủ nước này có thêm biện pháp mới để hỗ trợ tăng trưởng như bơm thêm thanh khoản vào thị trường.

Tuy nhấn mạnh sự cần thiết phải thích nghi với “mức bình thường mới” của tăng trưởng, nghĩa là mức tăng trưởng chậm lại nhưng chất lượng tăng trưởng tốt hơn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát tín hiệu cho thấy ngày càng lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế. Sự giảm tốc này có thể gây mất việc làm hàng loạt và dẫn tới các vụ vỡ nợ gây chấn động.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói nền kinh tế nước này đối mặt với áp lực suy giảm ngày càng lớn. Ông Lý Khắc Cường cũng nói Chính phủ Trung Quốc cần ứng phó với áp lực này nhằm tránh để xảy ra ảnh hưởng đối với việc làm và thu nhập của người dân.