09:50 22/06/2015

Mỹ, Nhật tập trận chung với Philippines trên biển Đông

An Huy

Tín hiệu cho thấy sự ủng hộ của Washington và Tokyo dành cho Manila trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông

Chiến hạm USS Fort Worth của Mỹ.<br>
Chiến hạm USS Fort Worth của Mỹ.<br>
Mỹ và Nhật Bản sẽ tiến hành tập trận chung với Philippines gần khu vực tranh chấp trên biển Đông, hãng tin Bloomberg cho biết ngày 22/6. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy sự ủng hộ của Washington và Tokyo dành cho Manila trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.

Cuộc tập trận chung thường niên mang tên CARAT giữa Philippines và Mỹ bắt đầu ngày 22/6 và kéo dài tới ngày 26/6 ngoài khơi đảo Palawan, phát ngôn viên Hải quân Mỹ Arlo Abrahamson cho biết.

Bên cạnh đó, cuộc tập trận chung giữa Philippines và Nhật diễn ra ở khu vực gần đảo Palawan, cách không xa quần đảo Trường Sa sẽ kéo dài tới ngày 27/6 - theo Lực lượng Phòng thủ trên biển Nhật Bản (MSDF).

Mỹ đã hậu thuẫn các nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, khi căng thẳng leo thang trên biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngang nhiên bồi đắp các dải đá ngầm thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó nhiều công trình. Nhật Bản cũng ủng hộ Philippines bằng cách cung cấp tàu tuần dương cho lực lượng hải cảnh của nước này.

Về phần mình, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã kêu gọi các nước trong khu vực đáp trả mạnh mẽ hơn nữa việc Trung Quốc tìm cách thiết lập chủ quyền trên 80% biển Đông.

“Cuộc tập trận năm nay phản ánh hơn 2 thập niên huấn luyện ngày càng phức tạp trên cạn, trên biển và trên không”, phát ngôn viên Hải quân Mỹ Abrahamson nói.

Hải quân Mỹ cho hay, cuộc tập trận CARAT bao gồm một giai đoạn diễn ra trên biển với sự tham gia của chiến hạm gần bờ USS Fort Worth, tàu trục vớt USNS Safeguard, và máy bay trinh sát P-3 Orion, cùng ít nhất 1 tàu khu trục cỡ nhỏ của Philippines. Đây là lần đầu tiên một chiến hạm gần bờ của Mỹ tham gia vào cuộc tập trận chung CARAT với Philippines.

Cuộc tập trận chung của Nhật Bản và Philippines sẽ diễn ra ở khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là nơi Trung Quốc đã xây dựng trái phép một loạt đảo nhân tạo. Nhật Bản sẽ cử một máy bay chống tàu ngầm P-3C, máy bay trinh sát hải quân và 20 binh sỹ tham gia cuộc tập trận này.

Căng thẳng trên biển Đông đã gia tăng trong thời gian gần đây khi Trung Quốc cảnh báo máy bay và tàu bè nước ngoài không được lại gần các dải đá nơi nước này đang tiến hành các hoạt động “khai hoang” trái phép. Tháng trước, chiến hạm Fort Worth của Mỹ đã “chạm trán” với một tàu Trung Quốc được cho là có một khu trục hạm theo sau. Tiếp đó, một máy bay trinh sát của Mỹ đã liên tục nhận được tín hiệu cảnh báo radio yêu cầu phải ra khỏi khu vực gần các dải đá ngầm mà Trung Quốc đang “khai hoang”.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng sau khi hoàn thành việc xây đảo nhân tạo trên biển Đông, nước này sẽ xây dựng các cơ sở để đáp ứng các nhu cầu quân sự “cần thiết” cùng các nhu cầu dân sự. Bắc Kinh nói việc xây dựng này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào và sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải hay hàng không trong khu vực.

Bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển có tranh chấp đã trở thành một vấn đề cấp thiết trên biển Đông, bởi vùng biển này là nơi hơn khối lượng hàng hóa thương mại trị giá hơn 5 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm, đồng thời là nơi chiếm khoảng 1/10 sản lượng đánh bắt cá của toàn thế giới.

Hồi tháng 4, Trung Quốc đã chỉ trích cuộc tập trận chung gần khu vực tranh chấp có sự tham gia của hơn 11.000 binh sỹ từ Philippines, Mỹ và Australia. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói cuộc tập trận này là không phù hợp và đi ngược lại những nỗ lực giảm căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ.