16:25 09/12/2014

Nga quyết liệt bán “đô” để cứu Rúp

Diệp Vũ

Giới phân tích đánh giá rằng, Ngân hàng Trung ương Nga đang cạn dần lựa chọn để bình ổn tỷ giá đồng nội tệ

Bảng thông báo tỷ giá bên ngoài một điểm giao dịch ngoại tệ ở Moscow ngày 3/12 - Ảnh: AP/Bloomberg.<br>
Bảng thông báo tỷ giá bên ngoài một điểm giao dịch ngoại tệ ở Moscow ngày 3/12 - Ảnh: AP/Bloomberg.<br>
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Nga đã bán ra 1,93 tỷ USD ngoại tệ trong ngày 5/12 để ngăn đà lao dốc của tỷ giá đồng nội tệ.

Theo một tuyên bố được đăng tải trên website của Ngân hàng Trung ương Nga ngày hôm nay (9/12), cơ quan này cho biết đã can thiệp vào thị trường ngoại hối lần thứ ba kể từ khi thả nổi đồng Rúp vào tháng trước.

Nhờ động thái can thiệp này, đồng Rúp đã tăng giá 3,4% trong phiên giao dịch ngày 5/12, mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng.

Tuy nhiên, vào đầu phiên giao dịch hôm nay theo giờ Moscow, tức chiều nay theo giờ Việt Nam, tỷ giá đồng Rúp giảm 0,8% so với đồng USD, còn hơn 54,2 Rúp đổi 1 USD. Hôm qua, khi giá dầu thế giới rớt xuống mức thấp nhất trong 5 năm, Rúp mất giá 2,2% so với USD.

Giới phân tích đánh giá rằng, Ngân hàng Trung ương Nga đang cạn dần lựa chọn để bình ổn tỷ giá đồng nội tệ. Riêng trong tuần trước, cơ quan này đã chi tổng cộng 4,53 tỷ USD để can thiệp thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần qua, tỷ giá đồng Rúp đã sụt 17%.

Trong thông điệp liên bang hàng năm phát đi hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ trừng phạt các nhà đầu cơ tấn công đồng Rúp khiến đồng tiền này mất giá chóng mặt. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Moscow vẫn chưa có động thái nào để hiện thực hóa lời cảnh báo của ông Putin.

Tình hình kinh tế bất ổn của Nga do tác động kép của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm đã đẩy lợi suất trái phiếu Nga bằng đồng Rúp kỳ hạn 10 năm lên mức 12,69%, cao nhất kể từ năm 2009. Tuần trước, Bộ Tài chính Nga đã hủy kế hoạch bán trái phiếu với lý do điều kiện thị trường “không thuận lợi”.

Cũng theo số liệu của Bloomberg, đồng Rúp đã giảm giá 25% trong vòng 2 tháng qua, nâng tổng mức giảm từ đầu năm đến nay lên 39%, trở thành đồng tiền mất giá “thảm” nhất trong số 24 đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi được hãng tin này theo dõi.