12:17 09/03/2015

Người Venezuela sắp phải quét vân tay khi vào siêu thị

Diệp Vũ

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói rằng, việc quét vân tay người dân tại các siêu thị nhằm mục đích ngăn ngừa đầu cơ

Người Venezulea chìa tay để được đánh số thứ tự vào mua hàng tại một cửa hàng thực phẩm ở Caracas hồi tháng 2 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Người Venezulea chìa tay để được đánh số thứ tự vào mua hàng tại một cửa hàng thực phẩm ở Caracas hồi tháng 2 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Theo tin từ BBC, quốc gia Nam Mỹ Venezuela đang chuẩn bị lắp đạt khoảng 20.000 máy quét vân tay tại các siêu thị trên khắp cả nước.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói rằng, việc quét vân tay người dân tại các siêu thị nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng đầu cơ hàng hóa và ồ ạt mua hàng do tâm lý hoảng sợ.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, cảnh người dân Venezuela xếp hàng dài dằng dặc bên ngoài các siêu thị để chờ mua hàng đã trở nên quen thuộc ở nước này. Tình trạng thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu đang khiến cuộc sống của người dân Venezuela ngày chật vật.

Theo ông Maduro, tình trạng thiếu hụt hàng hóa là do các nhà bán lẻ thao túng nguồn cung và giá cả. Tháng trước, cảnh sát Venezuela đã bắt giữ chủ sở hữu của nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng dược phẩm sau khi cáo buộc những người này khiến người dân phải xếp hàng bằng cách không mở đủ các quầy bán hàng.

Tổng thống Maduro cũng cáo buộc giới buôn lậu thực phẩm Columbia mua hết các mặt hàng được Chính phủ Venezuela kiểm soát giá trong các siêu thị quốc doanh của nước này dọc biên giới giữa hai nước.

Tuần trước, ngoại trưởng các nước khu vực Nam Mỹ tuyên bố sẽ giúp Venezuela giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu.

Khan hiếm thực phẩm và thuốc men là một trong những nguyên nhân dẫn tới tâm lý bất mãn của người dân Venezuela và những cuộc biểu tình thường xuyên với quy mô lớn phản đối Chính phủ ở nước này.

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng của Venezuela chủ yếu là do chính sách quản lý kinh tế sai lầm của chính quyền Tổng thống Maduro. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng càng thêm phần trầm trọng do giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Venezuela - lao dốc.

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, đồng nội tệ Bolivar của Venezuela đã mất giá 97% trong 3 năm trở lại đây so với đồng USD, đẩy lạm phát tăng vọt. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu sa sút do giá dầu giảm gần một nửa từ tháng 11 năm ngoái khiến Caracas không có đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa.

Trên thị trường “chợ đen”, tờ tiền mệnh giá cao nhất hiện nay của Venezuela là tờ 100 Bolivar chỉ đổi được khoảng 0,36 USD. Riêng từ đầu năm tới nay, đồng Bolivar đã mất giá 38% trên thị trường tự do.

Với tỷ giá như vậy, mức lương tối thiểu của người Venezuela hiện chỉ tương đương khoảng 20 USD/tháng.

Vào thời điểm tháng 11 năm ngoái, một rổ thực phẩm chuẩn để nuôi sống một gia đình người Venezuela trong vòng 1 tháng tiêu tốn 6.382 Bolivar. Số tiền này tương đương 1,5 lần khoản lương tối thiểu của một người lao động Venezuela.

Đối với những người Venezuela có bằng cấp, cuộc sống cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Theo Bloomberg, năm ngoái, một giáo viên 25 năm kinh nghiệm ở nước này được trả 9.786 USD, tương đương khoảng 35 USD, mỗi tháng - số tiền thậm chí không đủ để mua một chiếc TV cũ.