12:16 29/08/2014

Nhiều lính Nga biến mất bí ẩn

An Huy

Nhiều lính Nga đang phục vụ trong quân ngũ bỗng dưng mất liên lạc, hoặc có tin đã được đưa xác về nhà

Bia mộ của một binh sỹ ở Pskov. Tấm bia này đã bị gỡ bỏ sau khi các nhà báo tới nghĩa trang - Ảnh: BBC.<br>
Bia mộ của một binh sỹ ở Pskov. Tấm bia này đã bị gỡ bỏ sau khi các nhà báo tới nghĩa trang - Ảnh: BBC.<br>
Theo hãng tin BBC, gần đây, nhiều gia đình ở Nga ngày càng lo lắng khi người thân của họ là đi lính bỗng dưng mất liên lạc, hoặc trong trường hợp tồi tệ nhất, là được đưa xác về nhà.

Ở vùng Kostroma, phía Bắc Moscow, hôm thứ Năm tuần này, gia đình của các binh sỹ phục vụ trong đơn vị không quân số 98 đã tới căn cứ của đơn vị này để hỏi thông tin người thân. Tin tức lần cuối cùng mà các gia đình binh sỹ này biết về con em họ là khi các binh sỹ tham gia một cuộc bay diễn tập.

Điều đáng nói, đơn vị không quân số 98 cũng chính là đơn vị của 10 lính Nga được cho là bị bắt giữ trên lãnh thổ Ukraine cách đây ít ngày.

Khi các gia đình tới đơn vị, một người đàn ông tự giới thiệu là đại diện của đơn vị bước ra cho biết, các binh sỹ trong đơn vị vẫn đang ở vùng Rostov của Nga - khu vực có đường biên giới với các vùng chiến sự ác liệt ở miền Đông Ukraine - và sẽ liên lạc với gia đình vào ngày 31/8.

Tuy nhiên, nếu như những gì mà cư dân vùng Kostroma nói là đúng, mọi chuyện có thể là đã quá muộn đối với một số binh sỹ.

Valeria Sokolova, vợ của một trong số các lính dù của đơn vị 98, nói với phóng viên hãng thông tấn AFP rằng, những chiếc quan tài mang theo thi thể binh sỹ đã về tới thị trấn vào hôm thứ Tư. Hiện chưa có ai đứng ra xác nhận thông tin này.

Tuy nhiên, đã có hai nguồn tin nói đã chứng kiến tang lễ của những binh sỹ ở một vùng khác được cử tới Rostov. Hai ngôi mộ mới đắp được phát hiện vào tuần này gần thị trấn Pskov ở phía Tây Bắc nước Nga, nơi đặt căn cứ của một đơn vị lính dù nổi tiếng khác. Bia mộ đề tên Leonid Kichatkin, 29 tuổi, và Alexander Osipov, 20 tuổi, mất vào ngày 19 và 20/8.

Các nhà báo đã tới thăm nghĩa trang có hai ngôi mộ trên vào ngày thứ Ba, một ngày sau khi đám tang diễn ra. Tại đây, các nhà báo bị ném đá và lốp xe của họ bị đâm thủng. “Rõ ràng là có một ai đó đang theo dõi chặt chẽ nghĩa trang này”, phóng viên Vladimir Romensky của kênh TV Rain nói.

Các nhà báo Nga đã nỗ lực tìm gặp thân nhân của hai binh sỹ trẻ tuổi thiệt mạng, nhưng phải từ bỏ ý định này vì vấp phải sự đe dọa của một nhóm người hung hăng. Sự đe dọa tương tự cũng được dành cho một nhà báo của hãng tin Reuters đến nơi một ngày sau đó.

Đến nay, chưa có bất kỳ một lời giải thích chính thức nào về cái chết của hai binh sỹ trên. Thậm chí, bia mộ có tên của họ sau đó đã được bỏ đi khỏi hai ngôi mộ.

Chưa một điều gì có thể được khẳng định chắc chắn, nhưng những cáo buộc về sự tham gia quân sự của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra đồng thời với những vụ mất liên lạc bất ngờ giữa các binh sỹ Nga và người thân của họ. Những vụ việc này đã được đề cập đến trên các mạng xã hội, website và báo chí Nga.

Ủy ban Mẹ binh sỹ, một mạng lưới phi chính phủ đi đầu về bảo vệ quyền lợi của các binh sỹ Nga kể từ cuộc chiến của Nga ở Chechnya hồi giữa thập niên 1990, cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Bà Lyudmila Bogatenkova, người đứng đầu chi nhánh của Ủy ban Mẹ binh sỹ tại Stavropol, miền Nam nước Nga, hôm thứ Tư nói rằng, tổ chức này đang có trong tay một danh sách 400 cái tên của các binh sỹ bị thương và thiệt mạng.

Nhiều binh sỹ trong danh sách này đến từ các đơn vị bình thường vẫn đóng quân ở Chechnya và Nam Ossetia, bà Bogatenkova nói. Ngoài ra, cũng có những thông tin trên các phương tiện truyền thông về tang lễ của một số binh sỹ ở Dagestan.

Nguồn của danh sách này chưa được công bố, và Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về chuyện này.

Trong khi đó, một số nhà hoạt động đã lên tiếng mạnh mẽ. Hôm thứ Tư, bà Ella Polyakova, chủ nhiệm Ủy ban Mẹ binh sỹ ở St. Petersburg nói, nhiều bệnh viện quân sự ở Rostov đã đón nhận nhiều binh sỹ bị thương trong mấy ngày trở lại đây. Bà Polyakov đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra thông tin về 9 vụ thương vong của binh sỹ vùng Bắc Caucasus. Ngoài ra, bà cũng tuyên bố sẽ đề nghị thanh tra các bệnh viện quân sự ở miền Nam của nước Nga.

Tuy nhiên, cũng có những nhà hoạt động tỏ ra thận trọng. Bà Zulfia Magomedova, một thành viên của Ủy ban Mẹ chiến binh ở Dagestan từ chối đề cập đến phản ứng của các gia đình binh sỹ vùng này trước tin có thể con em họ đã bị thương vong.

Khi BBC liên lạc với bà Magomedova, bà nói, Nga không tham gia vào chiến sự ở Ukraine, và bất kỳ binh sỹ nào từ Dagestan sang Nga cũng chỉ là tình nguyện viên.

Thông tin mà bà Magomedova đưa ra tương tự như những gì mà thủ lĩnh phe ly khai ở Donetsk, ông Alexander Zakharchenko, đưa ra. Ông này thừa nhận lính Nga có tham chiến, nhưng chỉ là những ai đang trong kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, ai từng phục vụ trong quân đội Nga cũng có thể nghi ngờ về những “kỳ nghỉ” mà ông Zakharchenko nhắc đến. Các binh sỹ và sỹ quan của Nga phải báo trước cho cấp trên về bất kỳ chuyến đi ra nước ngoài nào và phải xin hộ chiếu, bởi trong thời gian phục vụ trong quân ngũ, họ đều bị quân đội thu hộ chiếu.

Mặc dù vậy, việc đi từ Nga sang Ukraine ở khu vực Rostov có thể không cần tới hộ chiếu mà có thể được thực hiện một cách bất hợp pháp, bởi Ukraine không có trạm kiểm soát biên giới nào tại đây.

Bà Valentina Melnikova, một nhà sáng lập của Ủy ban Mẹ binh sỹ, nói rằng, những “kỳ nghỉ” như đề cập ở trên không phải là mới, và đã được phát hiện lần đầu vào cuối năm 1994 khi Nga tìm cách dập sự phản kháng của Chechnya. Một nhóm binh sỹ bị quân Chechnya bắt giữ khi đó hóa ra là lính Nga đang nghỉ phép.

Bà Melnikova cũng nói với BBC rằng, việc điều tra về các vụ binh sỹ đột nhiên biến mất gặp trở ngại, có lẽ bởi nhiều gia đình binh sỹ không dám lên tiếng. “Đừng ngại nói tên tuổi binh sỹ và tên đơn vị của họ”, lời bà Melnikova nhắn nhủ tới gia đình các binh sỹ mất tích.