17:37 14/08/2017

Nhiều yếu tố có thể đưa giá vàng lên 1.400 USD/oz

Thăng Điệp

Giá vàng thế giới đã tăng 12% từ đầu năm đến nay, một phần do lo ngại xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên

Nhu cầu vàng tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ nhì thế giới, đã khởi sắc sau khi sụt giảm trong năm 2016.
Nhu cầu vàng tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ nhì thế giới, đã khởi sắc sau khi sụt giảm trong năm 2016.
Giá vàng thế giới có thể tăng lên 1.400 USD/oz, mức đỉnh của 4 năm, trong thời gian từ nay đến cuối năm, do căng thẳng Mỹ-Triều Tiên và nhu cầu gia tăng tại những quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Giá vàng có thể tăng lên mức 1.360 USD/oz trong vòng 3 tháng tới trước khi tăng cao hơn nhờ lực mua phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên và tiêu thụ vàng tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ - theo ông Evgeny Ananiev, Giám đốc phụ trách đầu tư kim loại quý thuộc ngân hàng đầu tư VTB Capital của Nga.

“Có thể diễn ra một số đợt điều chỉnh, nhưng tôi không cho là giá vàng sẽ giảm dưới 1.200 USD vì giá vàng đang được hỗ trợ rất tốt”, ông Ananiev nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg. Cuối giờ chiều ngày thứ Hai, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giao dịch trên mức 1.280 USD/oz.

Giá vàng thế giới đã tăng 12% từ đầu năm đến nay, một phần do lo ngại xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo sẽ đáp trả mạnh tay nếu Triều Tiên tấn công Mỹ hay bất kỳ nước đồng minh nào của Washington.

Nhiều nhà phân tích khác cũng tỏ ra lạc quan về giá vàng.

“Về cơ bản, chúng tôi rất lạc quan vào khả năng tăng giá của vàng”, nhà phân tích Chirag Sheth thuộc công ty nghiên cứu thị trường vàng Metals Focus ở London, cho biết. “Những gì mà Triều Tiên làm đã mang lại cho giá vàng cơ hội vượt mức 1.300 USD/oz và duy trì trên mức này”.

Ông Seth dự báo giá vàng sẽ lên mức 1.400 USD/oz trong 6-9 tháng tới bởi tình hình Triều Tiên đang khiến các nhà đầu tư quay lại với vàng để tìm kiếm một “hầm trú ẩn”. Theo nhà phân tích này, việc FED thay đổi lập trường từ cứng rắn sang mềm mỏng về lãi suất cũng là một nguồn lực hỗ trợ quan trọng cho giá vàng.

Nhà đầu cơ nổi tiếng thế giới, tỷ phú Ray Dalio đã khuyến nghị các nhà đầu tư giữ 5-10% tài sản là vàng. Giữa lúc diễn ra cuộc đấu khẩu kịch liệt giữa Mỹ và Triều Tiên vào tuần trước, ông Dalio viết trên mạng xã hội LinkedIn rằng “thế giới đang chờ xem ai là người nói suông, hay liệu có chiến tranh xảy ra không”.

Nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới Bridgewater Associates này cũng nhấn mạnh rằng Quốc hội Mỹ có thể sẽ không đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ, khiến Chính phủ nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật. Trong trường hợp như vậy, giá vàng cũng có thể tăng mạnh.

Ngoài ra, lạm phát yếu ở Mỹ làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) giãn tiến độ tăng lãi suất cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá vàng tăng. Vàng, một tài sản không sinh lãi, thường tăng giá trong môi trường lãi suất thấp, và ngược lại.

Theo số liệu thống kê công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 1,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Áp lực tăng giá giảm xuống có thể sẽ khiến FED không có thêm một đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm 2017 này.

Bên cạnh đó, nhu cầu vàng tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ nhì thế giới, đã khởi sắc sau khi sụt giảm trong năm 2016. Ông Seth dự báo tiêu thụ vàng nữ trang của Ấn Độ có thể tăng 6% trong năm nay, trong khi nhập khẩu vàng của nước này có thể tăng 30%, đạt mức 800 tấn.

Tại thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc, nhu cầu vàng miếng tăng hơn gấp rưỡi trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi tổng mức tiêu thụ vàng tăng khoảng 10%, đạt mức 542,2 tấn - theo số liệu của Hiệp hội Vàng Trung Quốc.