09:53 19/04/2015

Nhờ xây đảo, Trung Quốc “có thể kiểm soát biển Đông”

Diệp Vũ

Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương lo ngại chương trình xây đảo của Trung Quốc trên biển Đông

Ảnh chụp từ vệ tinh hôm 16/3/2015 cho thấy tàu hút cát của Trung Quốc đang bồi lấp bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: DigitalGlobe/Getty/Bloomberg.<br>
Ảnh chụp từ vệ tinh hôm 16/3/2015 cho thấy tàu hút cát của Trung Quốc đang bồi lấp bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: DigitalGlobe/Getty/Bloomberg.<br>
Chương trình xây đảo của Trung Quốc trên biển Đông có thể dẫn tới việc Bắc Kinh giành quyền kiểm soát khu vực này - hãng tin Bloomberg dẫn lời đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương.

“Nếu hoạt động này tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, thì họ [Trung Quốc] sẽ giành quyền kiểm soát khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên biển Đông”, ông Locklear phát biểu trước Thượng viện Mỹ.

Theo vị đô đốc này, Trung Quốc có thể lắp đặt radar theo dõi từ xa, đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu tới các đảo trên biển Đông. Các hoạt động này có thể đem lại cho Trung Quốc khả năng thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ).

Các bức ảnh chụp từ vệ tinh được công bố trong tháng nay cho thấy tàu hút cát của Trung Quốc đang làm việc ở bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 10/4 tuyên bố Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng “sức mạnh cơ bắp” đối với các nước nhỏ hơn trong khu vực.

Đô đốc Locklear nói, tốc độ của chương trình xây dựng mà Trung Quốc đang thực hiện trên biển Đông là “đáng kinh ngạc”.

Theo ông, những hòn đảo được bồi đắp và mở rộng sẽ cải thiện khả năng của Trung Quốc trong việc thiết lập một lực lượng an ninh hàng hải trên biển Đông lớn hơn cả lực lượng cảnh sát biển của tất cả các nước Đông Nam Á gộp lại.

“Điều này chắc chắn làm phức tạp môi trường an ninh khu vực”, ông Locklear nhận định. “Những nỗ lực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm cùng với Trung Quốc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) chưa đem lại nhiều hiệu quả”.

Về tình hình ở Ấn Độ Dương, đô đốc Locklear nói rằng, số lượng ngày càng đông các tàu ngầm hiện đại ở khu vực này đang làm thay đổi động lực cho hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực. Ông ước tính, trong số 300 tàu ngầm trên thế giới không phải là tàu của Mỹ, thì có 200 tàu đang ở Ấn Độ Dương, khiến đây trở thành “khu vực có mức độ quân sự hóa cao nhất thế giới”.

Theo ông Locklear, các nước châu Á đang phát triển năng lực tàu ngầm để ngăn sự xâm nhập của kẻ thù và để phòng thủ.