16:05 16/09/2015

Những kịch bản về quyết định lãi suất của Mỹ

Nguyễn Đức Hùng Linh

Việt Nam có cơ hội để vượt qua khó khăn khi FED nâng lãi suất, nhưng cũng cần thận trọng

Bên ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.<br>
Bên ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.<br>
Đang có nhiều tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ nâng lãi suất trong tuần này. Nếu nhìn vào sự hồi phục của kinh tế Mỹ mà tỷ lệ thất nghiệp là một minh chứng, thì việc FED nâng lãi suất là điều trong tầm tay.

Tuy vậy, vẫn còn một số rào cản nhất định.

Nâng hay chưa nâng?


Trước hết là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thực sự ổn định, mà mối bận tâm lớn nhất hiện đang nằm ở khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

GDP toàn cầu quý 1/2015 mới chỉ tăng 1,72%, thấp hơn mức trung bình 6 năm là 1,9% và thấp hơn nhiều tăng trưởng GDP thời điểm FED nâng lãi suất năm 2004 là 3%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát của Mỹ vẫn còn rất xa 2%, mục tiêu FED đề ra cùng với tỷ lệ thất nghiệp để cân nhắc nâng lãi suất.

Dù các tuyên bố gần đây cho thấy FED sẽ linh hoạt và đánh giá một cách tổng thể hơn chứ không bó buộc vào hai chỉ tiêu trên, SSI Research - bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - cho rằng vẫn có khả năng FED sẽ không nâng lãi suất trong kỳ họp kết thúc vào 17/9/2015 tới.

Những kịch bản về quyết định lãi suất của Mỹ 1
Biểu đồ 1: Tăng trưởng GDP toàn cầu, FED Fund Rate, CPI và tỷ lệ thất nghiệp Mỹ - Nguồn: WB, Bloomberg.

Nếu FED không nâng lãi suất, thông điệp của FED sẽ là kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ, vẫn chưa đạt đến trạng thái ổn định cần thiết. FED sẽ tránh sai lầm mà nhiều ngân hàng trung ương đã gặp phải, đó là sau khi nâng không lâu họ đã lại phải hạ lãi suất để kích thích kinh tế.

Với những biến động diễn ra trong tháng 8, nhiều người sẽ có lý do để tin việc FED trì hoãn nâng lãi suất. Nhưng, dù không nâng lãi suất trong tuần này, việc nâng lãi suất vẫn chắc chắn sẽ xảy ra ở một thời điểm không xa.

Không lo “đổ vỡ”

Điều khiến mọi người lo ngại nhất khi FED nâng lãi suất là chi phí vốn đắt hơn, và đồng USD mạnh lên sẽ khiến dòng vốn sẽ chạy khỏi các thị trường mới nổi, đẩy các nước này vào suy thoái hoặc ít nhất cũng là làm cho thị trường tài chính các nước chao đảo.

SSI Research đã phân tích và thấy rằng việc FED nâng lãi suất có thể gây khó khăn cho một số nước, nhưng sẽ không xảy ra làn sóng đổ vỡ hay sụt giảm mạnh của thị trường tài chính.

Thậm chí, ở một khía cạnh nào đó, việc FED nâng lãi suất có thể mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.

Trong vòng 30 năm trở lại đây, những lần FED nâng lãi suất đều không gây ra tác động tiêu cực đến các thị trường mới nổi. Một nguyên nhân cơ bản là FED chỉ nâng lãi suất khi tăng trưởng kinh tế đã ổn định.

Như biểu đồ 1 đã chỉ ra, trong lần nâng lãi suất gần nhất, tăng trưởng GDP toàn cầu đạt trên 3% trong một thời gian khá dài.

Ở thời điểm hiện tại, dù tăng trưởng toàn cầu chưa đạt đến 3% nhưng có thể thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đang có tăng trưởng tốt, dự báo 2,3% trong năm 2015 và 2,7% trong năm 2016.

Kinh tế của Eurozone và Nhật Bản cũng đang trên đà hồi phục với dự báo tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. 3 nền kinh tế phát triển này sẽ là đầu tàu kéo kinh tế toàn cầu đi lên bất chấp tăng trưởng của nhóm BRICS chậm lại.

Đây là chưa kể đến khả năng tiếp tục nới lỏng của các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Với lạm phát ở mức thấp, các nước sẽ không vội vàng nâng lãi suất để giữ đồng tiền nội tệ mà có thể chấp nhận một mức mất giá nhất định.

Một nguyên nhân nữa là đã có thêm nhiều quốc gia mới nổi chuyển đổi sang áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi đồng thời giảm tỷ lệ nợ nước ngoài và tăng dự trữ ngoại hối.

Trong khoảng thời gian 1980 - 1990, chỉ có khoảng 10-20 nước mới nổi áp dụng tỷ giá thả nổi, con số này tăng lên 20-40 nước trong khoảng 1990 - 2000 và từ năm 2000 đến nay là 40 - 60 nước.

Kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997, các quốc gia mới nổi đã nỗ lực kiểm soát nợ nước ngoài, nhờ đó tỷ lệ nợ nước ngoài /dự trữ ngoại hối đã giảm từ mức khoảng 100% vào năm 1997 xuống còn khoảng 60% vào năm 2015. Nhờ có cơ chế này mà các nước mới nổi đã hấp thụ được những cú sốc từ bên ngòai tốt hơn.
Những kịch bản về quyết định lãi suất của Mỹ 2
Biểu đồ 2: FED Fund Rate và MSCI Emerging Market Index - Nguồn: Bloomberg.

Đã chuẩn bị trước

Không giống như cú sốc hồi tháng 5/2013, khi FED bất ngờ đưa ra tín hiệu sẽ cắt giảm gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3), thị trường đã dự đoán việc nâng lãi suất từ hơn một năm trước. Dòng vốn đã bị rút khỏi các thị trường mới nổi trong một thời gian dài và tăng mạnh kể từ giữa tháng 7.

Chỉ trong hai tháng tính đến nay, đã có hơn 40 tỷ USD bị rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ở các thị trường mới nổi, trong đó gần 20 tỷ USD là từ châu Á. Con số này vượt xa lượng vốn bị rút trong tháng 5-6/2013.

Chỉ số MSCI EM Asia cũng đã giảm mạnh từ tháng 4/2015, hai tháng trước khi bong bóng thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm.

Cũng cần lưu ý là bên cạnh quyết định về lãi suất, những thông điệp của FED cũng sẽ được thị trường phân tích kỹ. Nếu FED nâng lãi suất đi kèm với phát biểu mang tính hỗ trợ, ví dụ như sẽ cân nhắc nâng lãi suất một cách “chậm rãi”, hoặc  nhận thấy kinh tế Mỹ đang trong “trạng thái tốt”, thì tổng hợp các tác động lại có thể là tích cực với thị trường.

SSI Research cho rằng việc nâng lãi suất 0,25% đi kèm với thông điệp hỗ trợ sẽ thậm chí còn tốt hơn là trì hoãn, bởi trì hoãn có nghĩa triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự ổn định, theo quan điểm của FED.
Những kịch bản về quyết định lãi suất của Mỹ 3
Biểu đồ 3: Dòng vốn tại các thị trường mới nổi châu Á và MSCI Emerging Asia Index - Nguồn: EPFR Global, Bloomberg.

Vẫn cần thận trọng


Nói như vậy không có nghĩa không có rủi ro đáng kể nào khi FED nâng lãi suất. Xét ở cho từng quốc gia cụ thể, tình hình có thể sẽ rất khác nhau phụ thuộc vào khả năng hấp thụ cú sốc từ bên ngoài.

Một số nước như Myanmar, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ có thâm hụt tài khoản vãng lai cao sẽ có rủi ro cao hơn nếu so sánh với Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc.
Những kịch bản về quyết định lãi suất của Mỹ 4
Biểu đồ 4: Tỷ lệ cán cân tài khoản vãng lai/GDP 2014 - Nguồn: IMF.

Việt Nam có tỷ lệ cán cân tài khoản vãng lai/GDP ở mức tương đối an toàn. Năm 2014 là 5,4% và được IMF dự báo 4,8% trong năm 2015.

Tuy vậy, Việt Nam vừa trải qua thời điểm tỷ giá điều chỉnh khiến dự trữ ngoại hối bị hao hụt. Ngay cả trước khi có sự kiện đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng chỉ xấp xỉ gần ngưỡng an toàn là 3 tháng nhập khẩu.

Chính sách tỷ giá của Việt Nam là không thả nổi. Chỉ sau khi Trung Quốc phá giá, biên độ tỷ giá đồng VND mới được tăng lên 3%.

Chúng tôi cho rằng tiếp tục nới rộng biên độ tỷ giá, cho phép đồng VND được giao dịch linh hoạt sẽ là một lựa chọn hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước để đối phó với các biến động từ bên ngoài.

Việt Nam có cơ hội để vượt qua khó khăn khi FED nâng lãi suất, nhưng cũng cần thận trọng, bởi nội lực của Việt Nam mới chỉ ở mức đang hồi phục.

* Tác giả bài viết hiện là Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)