16:20 10/02/2015

Những quốc gia khốn đốn vì lạm phát hai con số

Diệp Vũ

Nga không hề “đơn độc” trên phương diện lạm phát hai con số

Một siêu thị ở Moscow, Nga.<br>
Một siêu thị ở Moscow, Nga.<br>
Giữa lúc lạm phát trên toàn cầu giảm mạnh theo giá dầu, thậm chí châu Âu còn rơi vào giảm phát, thì lạm phát hai con số vẫn hoành hành ở một số nước như Nga hay Venezuela.

Thời gian này không phải là lúc phù hợp để mua sắm ở Nga. Theo hãng tin Bloomberg, do đồng Rúp mất giá chóng mặt, tốc độ tăng giá ở Nga đã tăng lên ngưỡng khủng hoảng. Tháng 1 vừa qua, lạm phát ở xứ bạch dương đạt mức 15%.

Tệ hơn, tình hình có vẻ như khó có thể được cải thiện trong thời gian sớm. Theo dự báo của các chuyên gia được Bloomberg khảo sát ý kiến, lạm phát ở Nga sẽ trung bình ở mức 13% trong năm nay.

Trong tháng 1, giá thực phẩm ở Nga tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá đường tăng 68%. Giá ngũ cốc và đậu tăng 45%, giá rau quả tăng 41%. Tăng “khiêm tốn” hơn là giá rượu với mức tăng 14%.

Chi phí sinh hoạt tăng vọt khiến cuộc sống của người dân Nga trở nên khó khăn giữa lúc nền kinh tế nước này cùng lúc đương đầu với sự lao dốc của giá dầu và lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Sự kết hợp giữa lạm phát cao, giá dầu giảm sâu, Rúp mất giá, và lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc nền kinh Nga có thể suy giảm 4% trong năm 2015 - theo dự báo của Bloomberg.

Nhưng nước Nga không hề “đơn độc” trên phương diện lạm phát hai con số. Bloomberg đã chỉ ra 5 quốc gia khác đang chịu đựng mức lạm phát tương tự.

Hãng tin này dự báo, lạm phát ở Argentina có thể lên mức 22,5% trong năm nay. Mức lạm phát được dự báo cho Ukraine là 17,5%, đối với Ai Cập và Ghana tương ứng là 10,6% và 13,2%.

Tất cả những mức lạm phát này đều thua xa mức lạm phát 72,3% được dự báo cho quốc gia Nam Mỹ Venezuela.

Giá dầu giảm sâu khiến Venenzuela không có đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng. Người dân nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn đủ loại mặt hàng từ tã giấy trẻ em tới đường.

Giá một hộp bao cao su 36 chiếc ở thủ đô Caracas của Venezuela thậm chí lên tới 750 USD. Cảnh người dân Venezuela xếp hàng dài chờ mua hàng tiêu dùng giờ không còn là chuyện hiếm.

Tình hình ở Argentina cũng tệ không kém. Tháng trước, băng vệ sinh phụ nữ rơi vào tình trạng “cháy hàng” ở thủ đô Buenos Aires của nước này, khiến phụ nữ ở đây phải trả mức giá cao ngất ngưởng để mua mặt hàng thiết yếu hàng tháng.

Argentina đang rất khan hiếm ngoại tệ mạnh và nền kinh tế Nam Mỹ này được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong quý 4 năm nay.