10:46 27/10/2014

Nữ y tá Mỹ chống lệnh cách ly Ebola

Diệp Vũ

Là người đầu tiên bị cách ly Ebola theo quy định mới ở Mỹ, y tá Hickox dọa sẽ sớm đâm đơn kiện

Nhà chức trách Mỹ khử trùng căn hộ của bệnh nhân Ebola đầu tiên tại New York, bác sỹ Craig Spencer, hôm 24/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Nhà chức trách Mỹ khử trùng căn hộ của bệnh nhân Ebola đầu tiên tại New York, bác sỹ Craig Spencer, hôm 24/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Một nữ y tá người Mỹ trở về từ vùng dịch Ebola ở Tây Phi đã bị nhà chức trách bang New Jersey cách ly bắt buộc. Tuy nhiên, cô này cho rằng, việc cách ly là phạm luật và dọa sẽ sớm đâm đơn kiện.

Trang CNBC cho biết, y tá Kaci Hickox hiện chưa có triệu chứng nào của Ebola, và cũng không có kết quả xét nghiệm dương tính với loại virus này. Tuy nhiên, theo quy định về phòng dịch Ebola của New Jersey, cô vẫn bị cách ly tại bệnh viện.

Luật sư Norman Siegel, đại diện của Hickox, tuyên bố rằng, việc thân chủ của mình bị cách ly là “vi phạm nghiêm trọng hiến pháp và các quyền tự do của công dân”. Ông Siegel cũng cho biết,

“Chúng tôi sẽ không tranh luận việc trong một số trường hợp nhất định, chính quyền có quyền ban lệnh cách ly. Tuy nhiên, chính sách này đã thái quá khi áp dụng với Hickox”, luật sư Siegel nói.

Một khi được phát đi, đơn kiện của Hickox sẽ là thách thức pháp lý đầu tiên đối với lệnh cách ly kéo dài 21 ngày của bang New Jersey áp dụng đối với những ai tới bang này từ ba nước ổ dịch Ebola là Sierra Leone, Liberia, và Guinea. Ngoài ra, vụ kiện cũng được cho là sẽ có ảnh hưởng tới chính sách tương tự đang được nhiều bang khác của Mỹ áp dụng, bao gồm New York và Illinois.

“Lệnh cách ly cần được thực thi dựa trên thực trạng sức khỏe của đối tượng, thay vì nỗi sợ hãi”, luật sư Siegel phát biểu.

Y tá Hickox là người đầu tiên bị cách ly Ebola theo quy định mới ở Mỹ. Cô đáp xuống sân bay Newark Liberty International Airport ở bang New Jersey vào thứ Sáu tuần trước sau khi trở về từ một chiến dịch điều trị cho bệnh nhân Ebola ở Sierra Leone.

Trả lời phỏng vấn kênh CNN hôm Chủ Nhật, Hickox phê phán chính sách cách ly, nói rằng cô “hoàn toàn khỏe mạnh”. Tuy vậy, Thống đốc bang New Jersey, Chris Christie, nói với kênh Fox News cùng ngày rằng, ông sẽ không lùi bước.

“Đây là công việc của chính quyền để bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của công dân”, ông Christie nói.

Chính sách cách ly của chính quyền các bang ở Mỹ cũng đã gặp phải sự phản đối của Nhà Trắng. Trong một tuyên bố vừa được đi, Nhà Trắng cho rằng, chính sách này có thể cản trở cuộc chiến chống Ebola.

“Chúng tôi đã thông báo cho thống đốc các bang New York, New Jersey, và các bang khác biết mối lo ngại của chúng tôi về hậu quả không thể lường trước mà các chính sách không dựa trên khoa học có thể gây ra đối với các nỗ lực chống Ebola tại nguồn bệnh ở Tây Phi”, tuyên bố có đoạn viết.

Trong khi đó, theo tin từ ABC News, bệnh nhân Ebola đầu tiên ở New York, bác sỹ Craig Spencer, đã khá hơn sau khi được điều trị bằng kháng thể từ người mắc Ebola khỏi bệnh. Tuy nhiên, vị bác sỹ này hiện vẫn đang tình trạng nghiêm trọng.

Hôm thứ Sáu tuần trước, nữ y tá gốc Việt nhiễm Ebola Nina Phạm đã được công bố khỏi bệnh. Ngay sau khi cho kết quả xét nghiệm âm tính với Ebola, cô Nina Phạm đã tới Nhà Trắng có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama.