12:00 11/03/2015

“OPEC có thể sắp hết thời”

Nguyễn Ánh

Ngân hàng Thế giới cho rằng, dưới góc nhìn lịch sử, khó có thể duy trì một liên minh (cartel) các nhà sản xuất hàng hóa cơ bản như OPEC

Các quan chức OPEC trong một cuộc họp.<br>
Các quan chức OPEC trong một cuộc họp.<br>
Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) từ chối giảm sản lượng đã khiến giá vàng giảm chóng mặt từ mùa hè năm ngoái. Tuy vậy, theo hãng tin Bloomberg, một nghiên cứu mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố lại nói rằng, tổ chức này có thể sẽ không tồn tại được lâu nữa.

Thời gian qua, OPEC đã thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ thị phần của mình trên thị trường dầu lửa toàn cầu trước sự cạnh tranh của các công ty khai thác dầu đá phiến ở Mỹ và dầu cát ở Canada. Chiến lược này của OPEC dựa trên quan điểm cho rằng, một thời gian dài giá dầu ở mức thấp sẽ buộc các nhà sản xuất khác với chi phí sản xuất cao hơn buộc phải cắt giảm sản lượng, nhờ đó OPEC tái khẳng định được ảnh hưởng của khối. Nguồn cung dầu của OPEC chiếm khoảng 40% nguồn cung dầu của toàn thế giới.

Tuy vậy, với góc nhìn lịch sử, WB cho rằng, khó có thể duy trì một liên minh (cartel) các nhà sản xuất hàng hóa cơ bản như OPEC trong bối cảnh các lực lượng thị trường và công nghệ ngày càng phát triển.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, một số thỏa thuận đã đạt được nhằm quản lý hoạt động thương mại đối với các mặt hàng như lúa mỳ, đường, kẽm, cà phê và dầu oliu - nghiên cứu của WB cho biết. Các nước sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng này thường đàm phán các thỏa thuận để bình ổn giá cả. Nhưng tất cả các thỏa thuận cuối cùng đều đã sụp đổ, ngoại trừ OPEC - tổ chức được thành lập vào năm 1960 và do Saudi Arabia dẫn đầu.

Hãy lấy kẽm làm một ví dụ. Từng có thời kẽm được dùng làm hộp đựng thức ăn. Hầu hết lon đựng đồ uống từng được làm từ kẽm. Nhưng hiện nay, nhiệm vụ này đã được chuyển sang cho nhôm, một kim loại nhẹ hơn và ít bị ăn mòn hơn. Theo WB, sự nổi lên của nhôm như một vật liệu thay thế chính là động lực chính đằng sau sự sụp đổ của liên minh kẽm vào năm 1985 sau 29 năm hoạt động.

Cao su tự nhiên là một ví dụ khác. Ba nước sản xuất cao su lớn là Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã thành lập một liên minh vào năm 1979. Giá cao su tính bằng đồng USD đã giảm mạnh vào cuối thập niên 1990 do nhu cầu giảm dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. WB nhấn mạnh rằng, nhu cầu giảm lẽ ra khiến liên minh cao su cắt giảm sản lượng, nhưng việc đồng nội tệ của các nước trong liên minh này mất giá mạnh, đẩy giá cao su trong nước tăng, vô tình khuyến khích người trồng cao su sản xuất nhiều hơn. Cuối cùng, liên minh này đã sụp đổ vào năm 1999.

Còn OPEC thì sao? Tổ chức này đã thể hiện rõ sức mạnh qua hai cú sốc dầu lửa vào thập niên 1970 khi giá dầu tăng vọt. Tuy vậy, sự xuất hiện của các nhà sản xuất mới và tình trạng “mất đoàn kết” giữa các thành viên OPEC đã xói mòn ảnh hưởng của tổ chức này trong hai thập kỷ qua - WB nhận xét.

“Có lúc, OPEC không còn cho thấy những dấu hiệu của một liên minh hiệu quả nữa”, ông Michael Levi, một thành viên cấp cao thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ, nhận xét. “Đã có lúc, Saudi Arabia đã tự tìm cách ổn định thị trường”.

Theo nhận định của WB, các nhà sản xuất dầu mới như các công ty dầu đá phiến của Mỹ và các nhà sản xuất năng lượng phi truyền thống như các công ty nhiên liệu sinh học có thể sắp đến lúc là lực lượng nắm ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu lửa của thế giới.

Tuy vậy, số phận của OPEC chưa thể hoàn toàn khép lại. WB cho rằng, OPEC có thể sẽ được lợi từ việc khối này không chịu tác động từ điều khoản về việc khối có thể can thiệp thị trường như thế nào - điều khoản mà nhiều liên minh khác có. Nhờ đó, OPEC có khả năng phản ứng linh hoạt hơn.

“Lần gần đây nhất khi OPEC rơi vào tình cảnh giống hiện nay là khi giá dầu sụt giảm mạnh vào thập niên 1980. Khi đó, nhiều người cũng đã nói OPEC sắp ‘chết’”, chuyên gia Benn Steil thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ lưu ý. “Nhưng OPEC đã không ‘chết’, vì khi các lực lượng nền tảng của ngành dầu lửa ổn định trở lại nhờ mức giá dầu hồi phục, OPEC bắt đầu lấy lại ảnh hưởng”.