07:37 17/06/2015

Putin tuyên bố tăng 40 tên lửa đạn đạo, phương Tây lo “sốt vó”

An Huy

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Nga đang tùy tiện “đe dọa” và điều này là “gây bất ổn và nguy hiểm”

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại hội chợ vũ khí ở Moscow ngày 16/6 - Ảnh: RT.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại hội chợ vũ khí ở Moscow ngày 16/6 - Ảnh: RT.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/6 bày tỏ quan ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa ở gần biên giới nước này, sau khi tuyên bố sẽ bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân trong năm nay.

“Chúng tôi sẽ buộc phải dồn lực lượng vũ trang của mình... vào những khu vực có nguy cơ”, hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu điện Kremlin.

Tuyên bố này của ông Putin được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi giới chức Nga lên tiếng cảnh báo về một kế hoạch của Mỹ nhằm đưa xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng tới cất giữ tại một số quốc gia thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần Nga. Về kế hoạch này của Washington, nhà lãnh đạo Nga nói đây là hành động gây hấn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ lo ngại về tuyên bố bổ sung tên lửa của Putin và nói không ai muốn chứng kiến sự thụt lùi trở lại “một dạng tình trạng chiến tranh lạnh”.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Kerry nói tuyên bố của Putin có thể chỉ là “nói suông”, nhưng “không nên có kiểu tuyên bố như vậy từ một nhà lãnh đạo của một đất nước hùng mạnh và chẳng ai nên quan tâm tới ý tứ ngầm của tuyên bố này”.

Căng thẳng đã bùng lên giữa Nga và các cường quốc phương Tây khi Moscow bị cho là có vai trò trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Đây là cuộc xung đột diễn ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Đến nay, phe nổi dậy thân Nga đã giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn ở miền Đông Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên Nga vì vấn đề Ukraine. Tuy vậy, Washington và Moscow vẫn bị ràng buộc bởi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) 2010 quy định đến năm 2018 hạn chế số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai ở mức 1.550 đầu đạn mỗi quốc gia và hạn chế số xe phóng tên lửa hạt nhân chiến lược còn 800 ở mỗi nước.

“Hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có khả năng vượt qua được ngay cả những hệ thống phòng thủ tên lửa có kỹ thuật hiện đại nhất sẽ được bổ sung vào kho vũ khí hạt nhân trong năm nay”, Putin phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ vũ khí Arm 2015 ở phía Tây Moscow, xung quanh ông là các quan chức quân sự cấp cao.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bay tối thiểu hơn 5.500 km. Putin không cung cấp thêm chi tiết về loại tên lửa nào sẽ được Nga bổ sung vào kho vũ khí của nước này.

Putin đã nhiều lần nói Nga cần duy trì kho vũ khí hạt nhân để ngăn chặn nhằm ứng phó với các nguy cơ an ninh ngày càng lớn. Ông cũng nói Moscow có quyền triển khai vũ khí hạt nhân ở Cirmea.

Những tuyên bố này của ông chủ điện Kremlin đã khiến phương Tây lo ngại, nhất là những nước ở gần biên giới Nga và từng nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Moscow trong thời chiến tranh lạnh.

Ngay sau khi tuyên bố về bổ sung tên lửa được Putin đưa ra, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Nga đang tùy tiện “đe dọa” và điều này là “gây bất ổn và nguy hiểm”.

Trong một buổi họp báo ở Brussels, ông Stoltenberg nói những lời hùng biện như vậy từ Moscow chính là lý do vì sao NATO tăng cường sự sẵn sàng cho lực lượng của mình nhằm bảo vệ các nước thành viên gần Nga nhất. “Chúng tôi sẽ đáp trả bằng cách đảm bảo rằng trong tương lai NATO cũng vẫn là một liên minh giúp mọi đồng minh phòng ngừa và tự vệ trước bất kỳ mối đe dọa nào”, ông Stoltenberg phát biểu.

Hôm thứ Hai, giới chức Nga cảnh báo Moscow sẽ trả đũa nếu Mỹ thực hiện kế hoạch đưa vũ khí hạng nặng tới Đông Âu, bao gồm các nước vùng Baltic và một số nước Liên Xô cũ. “Có cảm giác là các nước NATO đang đẩy chúng tôi vào một cuộc chạy đua vũ trang”, hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov.

Về kế hoạch đặt vũ khí hạng nặng ở Đông Âu, người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren nói Mỹ “chỉ đơn giản là cất giữ nhưng thiết bị mà chúng tôi có thể có ở đó để thực hiện nhanh chóng và dễ dàng các hoạt động đào tạo”.

“Thiết bị mà chúng tôi muốn chuyển tới châu Âu là các thiết bị đào tạo, không phải là tên lửa hạt nhân. Mọi người biết là có sự khác biệt ở đây”, ông Warren nói với các nhà báo. Khi được hỏi liệu Mỹ đã giải thích điều này với Nga chưa, ông Warren nói là “đã”.

Putin từng nói Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới dù nước này đang hiện đại hóa quân đội. Trong bài phát biểu ngày 16/6, Putin nói đến năm 20202, 70% thiết bị quân sự được sử dụng của Nga sẽ là những thiết bị hiện đại nhất và có chất lượng tốt nhất.

Theo chuyên gia Mỹ, tính đến tháng 4 năm nay, Nga có 515 xe phóng tên lửa hạt nhân chiến lược được triển khai, nên dù có bổ sung 40-50 xe nữa thì số xe phóng của Nga vẫn thấp hơn nhiều so với mức giới hạn của START.