11:05 26/06/2015

“Quả bom” nợ của Hy Lạp sẽ nổ vào 30/6?

An Huy

Châu Âu ngày càng tỏ lập trường cứng rắn về những điều kiện mà Chính phủ Hy Lạp phải chấp nhận

Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Brussels, Bỉ ngày 25/6 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Brussels, Bỉ ngày 25/6 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/6 yêu cầu các bộ trưởng tài chính trong khối tiếp tục đàm phán với Hy Lạp nhằm đạt bằng được một thỏa thuận để đưa Athens thoát nguy cơ phá sản. Cùng với đó, châu Âu ngày càng tỏ lập trường cứng rắn về những điều kiện mà Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras phải chấp nhận để được giải ngân tiền cứu trợ.

“Quả bom” nợ của Hy Lạp “hẹn” phát nổ vào ngày 30/6 - ngày mà Hy Lạp tới hạn phải trả cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) số tiền 1,6 tỷ Euro. Như vậy, chỉ còn vỏn vẹn 4 ngày nữa để Athens và các chủ nợ đạt thỏa thuận, nếu không Hy Lạp sẽ không có tiền để trả cho IMF và chính thức vỡ nợ.

Mấy ngày qua, những tia hy vọng về cuộc đàm phán của Hy Lạp với bộ 3 chủ nợ gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF cứ lóe lên rồi lại vụt tắt. Thủ tướng Alexis của Hy Lạp đã mang tới Brussels một bản đề xuất được kỳ vọng, chỉ đề rồi sau đó lại mang về, vì chủ nợ đòi Athens phải “thắt lưng buộc bụng” nhiều hơn nữa - điều mà ông Tsipras và Chính phủ cánh tả của ông cũng như người dân Hy Lạp đều không muốn.

Với nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi khối đồng tiền chung ngày càng lớn, các cuộc đàm phán đã được xúc tiến vội vã, để rồi lại đổ vỡ. Những “hạn chót” và “cơ hội cuối cùng” liên tiếp được đặt ra, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ một bước đột phá nào được ghi nhận. Số phận của Hy Lạp vẫn trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Thay vì tìm kiếm một thỏa thuận cho Hy Lạp, trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 25/6, các nhà lãnh đạo EU từ chối thảo luận chi tiết về vấn đề này và chỉ bày tỏ sự giận dữ, bực bội trước tình thế bế tắc. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nói rằng việc “tối quan trọng” là vào thứ Bảy tuần này, các bộ trưởng tài chính EU phải đạt được một thỏa thuận về vấn đề Hy Lạp. Đây sẽ là cuộc họp thứ 5 của các bộ trưởng tài chính EU về Hy Lạp chỉ trong vòng 1 tuần lễ.

“Ngày thứ Bảy tuần này có ý nghĩa quyết định, bởi thời gian không còn nữa”, bà Merkel phát biểu trước báo giới ở Brussels vào rạng sáng ngày 26/6. Các nhà lãnh đạo châu Âu “đã nhất trí rằng mọi việc sẽ phải được giải quyết để đi đến một giải phápvào ngày thứ Bảy”, bà Merkel nói.

“Chúng tôi phải làm tất cả để đạt một thỏa thuận toàn diện và bền vững. Hy Lạp phải đưa ra đề xuất mà cấc bên có thể đi vào giai đoạn hoàn tất đàm phán”, ông Hollande nói.

Theo một quan chức EU, nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào ngày thứ Bảy tuần này, thì các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ phải vạch ra các phương án đối phó với hậu quả của một vụ vỡ nợ của Chính phủ Hy Lạp.

Thủ tướng Tsipras, người đã ở Brussels cả tuần nay, khẳng định Chính phủ của ông đã đưa lên bàn đàm phán những đề xuất hợp lý. Trong khi đó, các chủ nợ của Hy Lạp lại cho rằng kế hoạch của ông Tsipras phụ thuộc quá nhiều vào việc tăng thuế. Hai bên tiếp tục bất đồng về mức độ cải cách lương hưu, tăng thuế bán hàng và việc liệu Hy Lạp có được miễn-giảm nợ hay không.

Cả Hy Lạp và chủ nợ, mỗi bên đều có những “giới hạn đỏ” của mình.

Đối với Thủ tướng Tsipras, người đắc cử nhờ lời hứa đảo ngược chính sách “thắt lưng buộc bụng”, việc cần làm là chứng tỏ rằng người dân nghèo Hy Lạp sẽ không phải là đối tượng phải gánh chịu các biện pháp siết chặt này.

Trong khi đó, đối với IMF, ECB và EU, một thỏa thuận với Hy Lạp cần phải có sự bền vững tài chính, dựa trên thực tế và những điều kiện mà họ đặt ra.