09:07 11/11/2014

“Sự giảm giá của đồng Rúp đã đi quá xa”

Diệp Vũ

Lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang nhấn chìm nền kinh tế xứ bạch dương

Bảng điện tử thông báo tỷ giá đồng Rúp với đồng USD và Euro bên ngoài một điểm giao dịch ngoại hối ở Moscow - Ảnh: Bloomberg.<br>
Bảng điện tử thông báo tỷ giá đồng Rúp với đồng USD và Euro bên ngoài một điểm giao dịch ngoại hối ở Moscow - Ảnh: Bloomberg.<br>
Giới chức tài chính Nga ngày 10/11 đã đưa ra lời thú nhận rõ ràng nhất từ trước đến nay rằng các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang nhấn chìm nền kinh tế xứ bạch dương.

Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Nga có động thái can thiệp thị trường tiếp theo nhằm bảo vệ đồng Rúp sau khi đồng tiền này có tuần giảm giá tồi tệ nhất trong hơn 1 thập niên.

Ngân hàng Trung ương Nga nhận định, GDP nước này trong năm 2015 có thể sẽ rơi vào bất động do giá dầu thô giảm mạnh và các lệnh trừng phạt quốc tế. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, nói, sự giảm giá của đồng Rúp đã đi quá xa. Bà Nabiullina đồng thời cũng cam kết sẽ có các biện pháp hạn chế nhằm hoạt động đầu cơ.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Vladimir Miklashevsky, một chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Danske Bank A/S ở Helsinki, Phần Lan, nói rằng, những nhận định này cho thấy, Ngân hàng Trung ương Nga “đang đối mặt với thực tế”.

Bị Kiev và phương Tây cáo buộc tiếp tay cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine, Nga đang đối mặt với một nền kinh tế lâm khó khăn với tốc độ tăng trưởng chậm nhất từ cuộc suy thoái năm 2009 và đồng Rúp giảm giá xuống mức thấp kỷ lục. Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng mức dự báo lượng vốn ròng chạy khỏi Nga trong năm nay lên mức 128 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với mức thoái vốn 61 tỷ USD trong năm 2013.

Trong báo cáo công bố ngày 10/11, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 xuống còn 0%. Cơ quan này dự báo, các lệnh trừng phạt sẽ kéo dài đến hết năm 2017 và giá dầu trong năm 2015 sẽ ở mức trung bình 95 USD/thùng, so với 102 USD/thùng dự báo cho năm nay.

Theo một cố vấn của Bộ Tài chính Nga, giá dầu Ural của Nga tính đến cuối tuần trước là hơn 82 USD/thùng.

Có mặt tại Bắc Kinh để tham dự cuộc gặp cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra không mấy bi quan về sự giảm giá của đồng Rúp. Ông Putin nói, sự giảm giá của đồng Rúp “hoàn toàn không liên quan” tới sức khỏe nền kinh tế Nga.

Tính đến buổi chiều ngày 10/11 theo giờ Moscow, tỷ giá đồng Rúp phục hồi 2,7%, lên mức hơn 45,4 Rúp/USD nhờ động thái can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của đồng tiền này kể từ ngày 30/10.

Tuần trước, đồng Rúp giảm giá 7,8% so với USD, mạnh nhất trong 11 năm, đồng thời là mức giảm mạnh nhất trong số 24 đồng tiền của các nước đang phát triển được Bloomberg theo dõi.

Cũng trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào thị trường vào bất kỳ lúc nào để ngăn bàn tay của giới đầu cơ. Phát biểu ngày 10/11, Thống đốc Nabiullina nói, cơ quan này có thể áp dụng giới hạn tạm thời đối với thanh khoản bằng đồng Rúp. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã nới biên độ tỷ giá, đưa đồng nội tệ tiến gần hơn tới chỗ được thả nổi.

Lạm phát tăng cáo đã buộc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản 4 lần từ đầu năm đến nay, lên mức 9,5% từ mức 5,5% hồi đầu năm. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Nga tính từ mức đỉnh vào năm ngoái đã giảm 1/5 xuống còn 428,6 tỷ USD tính đến hôm 31/10.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia do Bloomberg thực hiện, khả năng kinh tế Nga rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 70%. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu cuộc thăm dò này cách đây 2 năm. Tháng trước, tỷ lệ được đưa ra là 60%. Chính phủ Nga dự báo, nền kinh tế nước này sẽ tăng 1,2% trong năm 2015 sau khi tăng 0,5% trong năm 2014.

“Những gì đáng xảy ra với đồng Rúp cho thấy tình trạng hiện nay của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu năng lượng”, ông Igor Yurgens, Giám đốc Viện Phát triển hiện đại (INSOR) ở Moscow, nhận xét. “Điều này không thể thay đổi được bằng chính sách tiền tệ”.