18:05 21/09/2015

Tại sao ít người di cư Syria chọn các nước giàu Trung Đông?

Ngọc Diệp

Nhóm nước Trung Đông giàu có, trong đó bao gồm Saudi Arabia, thực ra cũng không phải quá keo kiệt

Dù chung một tôn giáo nhưng tín đồ của hai dòng Sunni và Shia không ngừng mâu thuẫn với nhau, chính điều đó đẩy họ đi xa nhau dù khoảng cách địa lý rất gần - Ảnh: AFP.
Dù chung một tôn giáo nhưng tín đồ của hai dòng Sunni và Shia không ngừng mâu thuẫn với nhau, chính điều đó đẩy họ đi xa nhau dù khoảng cách địa lý rất gần - Ảnh: AFP.
Mới đây, vua Salman của Saudi Arabia đã đưa ra một đề xuất gây nhiều tranh cãi: để phục vụ cho nhu cầu tinh thần của người di cư Syria, Saudi Arabia sẽ xây 200 nhà thờ Hồi giáo tại... Đức - nước đang tiếp nhận nhiều người di cư.

Theo Telegraph, lời đề nghị được đưa ra qua các kênh ngoại giao cũng như được nhiều tờ báo vùng Trung Đông đăng tải.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người di cư Syria vẫn tiếp tục bằng mọi cách, bất chấp rủi ro có thể mất cả sinh mạng, để đến được Đức và các nước Tây Âu.

Cáo buộc và phản pháo

Giới truyền thông Đức lập tức xôn xao, nhiều tờ báo khẳng định Chính phủ Đức sẽ không đời nào chấp nhận lời đề nghị từ một đất nước hiện vẫn còn nhiều hình phạt khắc nghiệt như ném đá, đánh roi hay chặt chân tay.

Ông Andrea Scheuer, Tổng thư ký Đảng Liên minh Dân chủ Ki tô giáo (CSU) tại bang Bavaria, với thủ phủ là thành phố Munich, lập tức phản bác rằng Saudi Arabia cần thể hiện trách nhiệm rõ ràng hơn trong cuộc khủng hoảng di cư. Thời gian vừa qua, Munich là một trong những thành phố đã tiếp nhận nhiều người di cư Syria nhất.

Còn Phó chủ tịch Đảng Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Armin Laschet tuyên bố: “Thay cho việc góp tiền xây nhà thờ Hồi giáo, Saudi Arabia nên tiếp nhận người tị nạn và ngừng ngay việc tài trợ tiền cho các hoạt động khủng bố của IS”.

Thống kê của CNN tính đến ngày 10/9 cho thấy sau 4 năm nội chiến, 4,1 triệu người Syria đã rời khỏi đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ đã đón hơn nửa số người di cư Syria, tiếp đó đến Lebanon, Jordan, Iraq, Ai Cập.

Có một đặc điểm chung của tất cả những nước tại khu vực Trung Đông đã mở rộng cửa đón người di cư Syria: đây đều không phải những nền kinh tế mạnh, giàu có nhất ở khu vực này.

CNN chỉ ra rằng những nền kinh tế giàu có hùng mạnh nhất khu vực Trung Đông bao gồm Saudi Arabia, Kuwait, Qatar không hề đón nhận bất kỳ một người di cư nào, dù kinh tế giàu có, ngân sách dồi dào, khoảng cách địa lý rất gần, chia sẻ nhiều điểm tương đồng về tôn giáo…

Gần đây, lại xuất hiện thêm nhiều lời phàn nàn về việc Saudi Arabia có hơn 100 nghìn căn lều có lắp điều hòa nhiệt độ, chuyên để phục vụ cho các tín đồ Hồi giáo vài ngày mỗi năm trong các đợt hành hương về Mecca, mà không dùng nó để đón người tị nạn.

Theo hãng tin Aljazeera, đáp trả lại những tuyên bố trên, đại diện Chính phủ Saudi Arabia khẳng định rằng nước này đã tiếp nhận 2,5 triệu người Syria, kể từ khi xung đột bắt đầu.

Tuy nhiên, Saudi Arabia không gọi họ bằng cái tên “người tị nạn” để tránh tình trạng phân biệt đối xử, ngoài ra khoảng 100.000 sinh viên Syria đang được theo học miễn phí tại nước này. Saudi Arabia cũng cho biết đã góp khoảng 700 triệu USD cho các quỹ nhân đạo hỗ trợ cho Syria.

Phía Saudi Arabia khẳng định không muốn nói nhiều về những nỗ lực đã làm để giúp cho những nạn nhân của cuộc nội chiến Syria, bởi đạo Hồi quan niệm sẽ là không tốt khi khoe khoang rằng mình đang làm từ thiện cho người khác.

Và ngoài ra, nước này cũng không có định nghĩa về người tị nạn theo cách mà phương Tây và thế giới đang làm, chính vì vậy sẽ thật vô lý nếu cho rằng họ không làm gì.

Phức tạp và quá tải

Theo CNN, xét về mặt pháp lý, không nước Trung Đông nào ký kết tham gia Công ước năm 1951 của Liên hiệp quốc về người tị nạn, trong khi phần lớn các nước châu Âu đã tham gia công ước này.

Về mặt tài chính, nhóm nước Trung Đông giàu có, trong đó bao gồm Saudi Arabia, thực ra cũng không phải quá keo kiệt.

Số liệu từ Liên hiệp quốc được CNN trích dẫn cho thấy ngoài số tiền 700 triệu USD của Saudi Arabia, các nước còn lại ở khu vực vùng Vịnh đã góp khoảng 500 triệu USD trong hai năm qua để hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo hỗ trợ cho người di cư tại Lebanon, Iraq, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, lý do khiến các nước Trung Đông giàu có như Saudi Arabia, Kuwait, Qatar hay UAE dù muốn cũng khó có thể tiếp nhận thêm được nhiều người tị nạn Syria nữa nằm ở phương diện tôn giáo, an ninh, và ổn định xã hội.

Phân tích của một chuyên gia địa chính trị đã có nhiều năm sống tại Qatar được US News trích đăng cho thấy xét trên tổng quy mô dân số 31 triệu người, trên phương diện lý thuyết, chỉ mình Saudi Arabia có thể tiếp nhận thêm người tị nạn. UAE, Qatar và Bahrain không thể làm được việc đó bởi bản thân quy mô dân số của họ quá nhỏ: dân số 3 nước này lần lượt là 2 triệu, 9 triệu và 1,2 triệu.

Trên thực tế, sự giàu có và thịnh vượng của 3 nước trên có được là nhờ quy mô dân số và đất đai nhỏ. Trật tự xã hội của họ chắc chắn sẽ bị phá vỡ mạnh mẽ, phúc lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng lớn, nếu họ phải tiếp nhận vài chục nghìn người di cư Syria.

Với riêng Saudi Arabia, lý do tôn giáo và an ninh lại có một vai trò quan trọng.

Nước này hiện đang đứng sau thế lực chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vì thế họ e sợ nếu đón ồ ạt những người di cư Syria, trong số đó có thể trà trộn những người ủng hộ Assad, thù địch với Saudi Arabia. Ngoài ra, nhiều người Syria khác dù không ủng hộ Assad cũng sẽ không mấy thích thú một đất nước đã góp phần gây ra cảnh nước mất nhà tan cho họ.

Cấu trúc tôn giáo của Saudi Arabia cũng cần phải được tính đến.

Là một quốc gia Hồi giáo với gần 100% dân số theo đạo Hồi, nhưng trong đó có đến 90% người dân Saudi Arabia theo dòng Sunni. Cuộc sống của người Hồi giáo dòng Shia thiểu số ở Saudi Arabia gặp khá nhiều khó khăn. Trong khi đó, tỷ lệ người theo đạo Hồi dòng Sunni ở Syria chỉ khoảng 70%, điều đó đồng nghĩa với việc 30% dân số Syria còn lại dù có muốn sang Saudi Arabia cũng sẽ thừa hiểu đó là điều không nên làm, bởi chắc chắn xung đột tôn giáo Sunni - Shia sẽ diễn ra.

Còn đối với nhóm đa số 70% người Hồi giáo dòng Sunni người Syria, đã có rất nhiều vùng ủng hộ IS, nhóm này đồng thời cũng căm ghét Chính phủ Saudi Arabia. Không quân của Saudi Arabia và Mỹ đã nhiều lần đánh bom các khu vực này. Dù chung tôn giáo nhưng khả năng gây mất an ninh của nhóm người Syria dòng Sunni thân IS trên cũng khiến Saudi Arabia phải thực sự cân nhắc.

Tại Lebanon, tỷ lệ người Hồi giáo dòng Sunni - Shia hiện khá cân bằng. Nếu nước này tiếp nhận thêm người Hồi giáo dòng Sunni, chắc chắn sự ổn định sẽ bị phá vỡ. Các cuộc xung đột giữa người theo đạo Hồi giáo hai dòng này diễn ra thường xuyên như “cơm bữa” ở khu vực Trung Đông.

Cấu trúc nhân khẩu học với tỷ lệ người nước ngoài quá cao của các nền kinh tế dầu mỏ giàu có ở Trung Đông cũng là một yếu tố cản trở họ tiếp nhận thêm người di cư.

Theo số liệu của viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy - Mỹ, tỷ lệ người nước ngoài trong tổng dân số của Saudi Arabia, Oman, Bahrain, Kuwait, UAE và Qatar lần lượt là từ 40 cho đến gần 90% tổng dân số. Việc tiếp nhận thêm người nước ngoài chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất ổn xã hội, gây sức ép quá lớn lên hạ tầng nội địa.