10:08 20/05/2015

Tàu chiến Mỹ, Trung Quốc đụng đầu ở biển Đông

DIỆU MINH

Đây là lần đầu tiên một tàu tác chiến ven bờ của Mỹ hoạt động tại vùng biển quanh Trường Sa trên biển Đông

Tàu USS Fort Worth trên vùng biển Đông ngày 12/5/2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ.
Tàu USS Fort Worth trên vùng biển Đông ngày 12/5/2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ.
Trong một cuộc tuần tra mới đây trên biển Đông, một tàu tác chiến ven bờ của Mỹ đã gặp một tàu Trung Quốc, trong bối cảnh quân đội Mỹ có thể tăng cường tuần tra ở biển Đông.

Đô đốc Michelle Howard hôm qua (19/5) cho biết tàu USS Fort Worth của Mỹ gặp một tàu chiến của Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa. Phía tàu Mỹ đã sử dụng mã tín hiệu chuyên dùng cho các cuộc gặp ngoài kế hoạch, theo Bloomberg.

Chuyến tuần tra này là lần đầu tiên một tàu tác chiến ven bờ (LSC - Littoral Combat Ship) của Mỹ hoạt động tại vùng biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Chúng tôi đã thoả thuận với phía Trung Quốc là nếu gặp mặt trên biển, sẽ dùng các mật mã cho các cuộc gặp ngoài dự kiến. Fort Worth đã tình cờ gặp một tàu của Trung Quốc và đã làm đúng như vậy, vì thế mọi chuyện diễn ra một cách chuyên nghiệp như thoả thuận”, bà Howard nói.

Cơ chế này - vốn được thiết lập để tránh đụng độ giữa các tàu và máy bay có thể dẫn đến xung đột lớn hơn - có thể bị thử thách bởi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây đề xuất mở rộng hoạt động tuần tra trên biển, bao gồm cả vùng biển có bán kính 12 hải lý (22 km) tính từ các rặng san hô mà Trung Quốc đang xây dựng và cải tạo trái phép.

Những hành động này có thể “chọc giận” Trung Quốc và khiến nước này phải giải thích lý do cho các tuyên bố chủ quyền của mình.

Đô đốc Howard từ chối tiết lộ liệu tàu USS Fort Worth có hoạt động trong khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Trường Sa hay không, và cũng không cung cấp thêm chi tiết về cuộc gặp mặt của hai tàu. Tờ Stars and Stripes cho biết tàu của Mỹ đã bị một tàu hộ vệ của Trung Quốc theo sát.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với trên 80% diện tích biển Đông. Việc giữ cho các căng thẳng tại vùng biển này có vai trò rất quan trọng, bởi một nửa số tàu thương mại của thế giới đi qua vùng biển này.

Bà Howard là phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên nắm quyền chỉ huy một con tàu của Hải quân Mỹ và là phụ nữ đầu tiên mang quân hàm đô đốc bốn sao.

“Tôi nghĩ giờ là lúc Trung Quốc nói về việc họ san lấp để làm gì. Có mục đích trong chuyện này và tôi nghĩ sẽ là hữu ích cho Trung Quốc khi giải thích cho mọi người sống trong khu vực này hiểu tại sao họ lại làm vậy”, bà Howard nói.

Trong một diễn biến khác, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Bắc Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cuối tuần qua tuyên bố tại Thượng viện Mỹ rằng theo luật pháp quốc tế, việc tăng cường xây dựng không tạo ra sức nặng với các tuyên bố chủ quyền của một quốc gia.

“Bất kể anh có đổ bao nhiêu cát lên một bãi đá ở biển Đông, anh vẫn không thể tạo ra chủ quyền”, ông Russel nói.