08:30 21/07/2016

Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng

Khánh Ly

Tính từ sau cuộc đảo chính thất bại, hàng nghìn nhân viên cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, giảng viên đại học tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị mất việc

Những người ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan - Ảnh: Reuters.
Những người ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan - Ảnh: Reuters.
Trong tuyên bố mới nhất được phát trên truyền hình vào ngày hôm nay (21/7), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3 tháng. 

Lý do chính là để chính phủ tập trung xử lý những tổ chức và cá nhân đã tham gia vào cuộc đảo chính bất thành vào cuối tuần qua, theo cập nhật từ Bloomberg.

Quyết định trên được đưa ra sau nhiều buổi họp giữa Tổng thống và các cố vấn an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là đến cuộc họp giữa Tổng thống cùng với các thành viên nội các. 

Tính từ sau khi cuộc đảo chính thất bại vào ngày thứ Bẩy tuần vừa rồi, hàng nghìn nhân viên cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, giảng viên đại học tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cho thôi việc hoặc bắt giữ.

Theo các cáo buộc từ phía chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan, ông Fethullah Gulen, một người Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, chính là một trong những “kẻ giật dây” cuộc đảo chính trong nước. Ông Erdogan hiện đang hối thúc chính phủ Mỹ đồng ý để chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ ông Gulen về nước.

Trong ngày thứ Tư, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đã chính thức hạ xếp hạng tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức “không đầu tư” - “junk”. Các chuyên gia phân tích kinh tế thuộc Standard & Poor’s cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối diện với nhiều rủi ro về biến động dòng vốn đầu tư vào đất nước khi mà tình hình ổn định chính trị xấu đi.

Ngay trong phiên thứ Tư, đồng Lira, đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ, giảm giá 1,4% xuống mức 3,0834 Lira/USD - mức thấp chưa từng có so với đồng USD.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã lên tiếng cảnh báo về khả năng hạ xếp hạng tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ bởi xét đến tác động của những bất ổn chính trị lên nền kinh tế quy mô 718 tỷ USD này.

Đáp lại những tuyên bố trên, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định tình hình tài chính kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang rất tốt và Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt qua bất kỳ cú sốc nào có thể xảy đến.

Trên thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ, sau những biến động chính trị vào cuối tuần trước, đến phiên ngày thứ Hai, chỉ số Istanbul 100 Index giảm 7% và tiếp tục giảm trong các phiên tiếp đó. Phiên ngày thứ Tư, chỉ số giảm 1,67%.

Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo là khó có thể tránh khỏi nhiều tác động tiêu cực từ bất ổn chính trị. Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến tình trạng số lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này sụt giảm sâu sau những căng thẳng về quan hệ giữa Thổ Nhì Kỳ và Nga và các đợt tấn công của IS tại nhiều địa điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có vụ tấn công vào sân bay Ataturk mới đây.

Quý 1/2016, Tổ chức du lịch Liên hợp quốc công bố số lượng khách du lịch đến Thổ Nhì Kỳ giảm 10% so với cùng kỳ. Đến hiện tại, mức sụt giảm ước tính đã lên tới 35%.