06:10 11/08/2015

Tiền Malaysia mất giá kỷ lục trong 17 năm

Ngọc Thanh

Tính từ đầu năm 2015, đồng tiền của Malaysia mất 11% giá trị so với đồng USD

Đồng ringgit chịu tác động mạnh từ việc giá hàng hóa giảm sâu và căng thẳng chính trị liên quan đến Thủ tướng Najib Razak xung quanh những cáo buộc về biển thủ công quỹ - Ảnh: Reuters.
Đồng ringgit chịu tác động mạnh từ việc giá hàng hóa giảm sâu và căng thẳng chính trị liên quan đến Thủ tướng Najib Razak xung quanh những cáo buộc về biển thủ công quỹ - Ảnh: Reuters.

Strait Times đưa tin, trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/8), đồng Ringgit của Malaysia đã rơi xuống mức thấp nhất trong 17 năm.

Thông tin mới công bố cho thấy dự trữ ngoại tệ của Malaysia rơi xuống dưới mức 100 tỷ USD. Thị trường lo ngại về khả năng đồng Ringgit sẽ tiếp tục mất giá khi căng thẳng chính trị ở nước này tiếp diễn và giá hàng hóa giảm.

Đồng Ringgit chốt phiên hôm 10/8 ở mức 3,9245 Ringgit/USD. Phiên trước đó, đồng tiền này đóng cửa ở mức 3,9220 Riggit/USD. 

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, đồng ringgit chạm mức 3,9280 Ringgit/USD, mức thấp nhất tính từ 2/9/1998.

Vào ngày 3/9/1998, Malaysia đã phải neo tỷ giá đồng Ringgit ở mức sàn 3,800 Ringgit/USD trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á lúc đó đang diễn biến xấu. Mãi đến năm 2005, Malaysia mới ngừng neo tỷ giá vào USD.

Số liệu từ Ngân hàng Trung ương cho thấy, dự trữ ngoại tệ của Malaysia tính đến ngày 31/7/2015 ở mức 96,7 tỷ USD từ mức 100,5 tỷ USD vào ngày 15/7/2015. Như vậy, chỉ trong nửa tháng dự trữ ngoại tệ đã giảm 3,8 tỷ USD.

Nhận xét về việc mất giá của đồng ringgit, ông Stephen Innes, chuyên gia kinh doanh ngoại hối thuộc công ty Oanda (Singapore) nhận xét, người ta không thể dự báo được khi nào đà sụt giá sẽ kết thúc.

Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ tiếp tục phải cung bán USD để cứu đồng nội tệ nhưng tác dụng của biện pháp này đến đâu thì chưa thể nói trước. Thực tế là đồng Ringgit đã liên tục giảm trong thời gian qua bất chấp các biện pháp hỗ trợ.

Từ đầu tháng 6 đến nay, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã liên tục bán USD và mua vào Ringgit để cố gắng cứu đồng nội tệ. Tuy nhiên, trên thực tế, Ringgit lại mất giá mạnh nhất so với các đồng nội tệ khác ở khu vực Đông Nam Á.

Tính từ đầu năm 2015, đồng tiền của Malaysia mất 11% giá trị so với đồng USD.

Sự suy yếu của đồng Ringgit cũng ảnh hưởng đến hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ của Malaysia. Lợi tức trái phiếu chính phủ Malaysia thời hạn 5 năm đã lên mức 3,856%, cao nhất tính từ ngày 16/1.