12:53 06/10/2017

Tổng thống Pháp bị cáo buộc “khinh người”

An Huy

Ông Macron đang khiến dư luận Pháp dậy sóng vì những phát ngôn bị đánh giá là châm chọc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Emmanuel Macron - người ở tuổi 39 đã mang đến sự tươi trẻ và mạnh mẽ cho chính trường Pháp - đang khiến dư luận nước này dậy sóng vì những phát ngôn bị đánh giá là châm chọc và đôi khi gây hiểu nhầm.

Theo hãng tin Reuters, trong chuyến thăm tới một công ty đang gặp khó ở miền Nam nước Pháp vào hôm thứ Tư tuần này, ông Macron bị một đoạn băng video ghi lại cuộc nói chuyện về vụ ẩu đả đang diễn ra bên ngoài giữa lực lượng cảnh sát và những người công nhân phản đối các chính sách kinh tế của ông.

“Thay vì gây đổ máu, một vài người trong số họ sẽ khá hơn nếu đi kiếm một công việc ở đằng kia”, ông Macron nói, chỉ một nhà máy nhôm cách đó không xa đang chật vật tuyển lao động. “Vài người trong bọn họ có đủ tiêu chuẩn để làm ở đó mà. Nhà máy đó cũng không quá xa đối với họ”.

Một làn sóng bình luận đã nổi lên trên các kênh truyền hình và mạng xã hội Twitter ở Pháp, được tận dụng triệt để bởi các chính trị gia cực hữu và cực tả, những người luôn muốn phác họa hình ảnh của ông Macron - người từng là một nhà ngân hàng đầu tư - như một nhà lãnh đạo xa rời quần chúng và chỉ là một Tổng thống của người giàu.

Ông Florian Philippot, người từng là nhân vật số hai trong đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (NF), miêu tả ông Macron là có thái độ “khinh thường” người lao động thu nhập thấp của nước này.

Cáo buộc tương tự cũng được đưa ra bởi bà Clementine Autain, một nghị sỹ đến từ đảng cực tả Nước Pháp bất khuất. “Những gì ông ta nói cho thấy rõ sự khinh thường giai cấp. Ông ta không thể ngừng đưa ra những phát biểu bất bình đẳng nhằm vào quần chúng”.

Phát ngôn viên của ông Macron, cựu nhà báo Bruno Roger-Petit, nhanh chóng đăng toàn bộ đoạn video về cuộc nói chuyện của ông Macron lên Twitter, nói rằng một số kênh truyền thông và đối thủ của vị Tổng thống đã đăng những đoạn video bị cắt xén, khiến những phát biểu của ông Macron bị đưa ra khỏi ngữ cảnh và trở nên tồi tệ.

“Emmanuel Macron chỉ đang nhấn mạnh rằng tìm kiếm giải pháp việc làm là trách nhiệm của tất cả mọi người”, ông Roger-Petit nói.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Macron gây tranh cãi vì lời ăn tiếng nói, nhưng rồi ông lại chẳng hề cho thấy sự hối hận nào.

Dù những bài phát biểu uyên thâm của ông Macron thường chất đầy những dẫn chứng văn học cho thấy trình độ học vấn cao, ông cũng có khuynh hướng sử dụng ngôn từ tùy tiện trong những phát biểu không có sự chuẩn bị trước, khiến các nhà phê bình cho rằng ông tỏ ra ngạo mạn.

Tháng trước, khi đang hoàn tất những cải cách về luật lao động nhằm giúp việc tuyển dụng và sa thải lao động của các công ty dễ dàng hơn, ông Macron tuyên bố sẽ không chấp nhận “những kẻ làm việc phất phơ” phản đối kế hoạch cải cách của ông.

Hồi tháng 7, khi tới thăm một trung tâm khởi nghiệp công nghệ cao ở Paris, ông Macron nói về “những người thành công và những kẻ chẳng là cái gì sất”.

Và vào năm 2016, khi còn là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp, ông Macron từng nói với các nhà công đoàn đang giận dữ: “Các ông không thể làm tôi sợ bằng cái áo phông của các ông được đâu. Cách tốt nhất để mua một bộ vest là làm việc”.

Các đời Tổng thống Pháp trước đây cũng từng bị chỉ trích vì cách sử dụng từ ngữ trong phát ngôn trước công chúng. Tổng thống Nicolas Sarkozy “gây bão” khi còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp vào năm 2005, khi ông gọi những thanh niên trong một vụ bạo lực ở Pháp là “những kẻ cặn bã”. Câu nói này đã ám ảnh suốt nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Tổng thống Francois Hollande thì bị cáo buộc đã gọi người nghèo là “những kẻ không răng”, khiến ông gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực thể hiện mình là một nhà lãnh đạo gần gũi với tầng lớp lao động.