11:19 31/08/2017

Tổng thống Trump bắt đầu mất kiên nhẫn với Triều Tiên

Bình Minh

“Đàm phán không phải là câu trả lời!” - ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter

Một vụ phóng tên lửa tầm trung của Triều Tiên - Ảnh: KCNA/Reuters.<br>
Một vụ phóng tên lửa tầm trung của Triều Tiên - Ảnh: KCNA/Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/8 tuyên bố “đàm phán không phải là câu trả lời” đối với căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis nhanh chóng “đính chính” rằng lựa chọn ngoại giao vẫn còn đó, và Nga lên tiếng đề nghị Washington kiềm chế.

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên của ông Trump đươc đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản và theo đó hứng chịu sự chỉ trích của Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế. Thái độ của người đứng đầu Nhà Trắng cho thấy ông đang mất dần kiên nhẫn với Bình Nhưỡng.

“Nước Mỹ đã nói chuyện với Triều Tiên, đã bơm tiền cho họ suốt 25 năm qua”, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter. “Đàm phán không phải là câu trả lời!” Vào hôm thứ Ba, ông Trump cảnh báo Triều Tiên rằng “mọi lựa chọn đang được đặt lên bàn”, ngầm ám chỉ Mỹ có thể tấn công quân sự đối với Triều Tiên.

Mới tuần trước, ông Trump còn nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã “bắt đầu biết tôn trọng” Mỹ.

Vài giờ sau dòng trạng thái trên của ông Trump, khi được cáo nhà báo hỏi liệu Mỹ có loại bỏ lựa chọn ngoại giao với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau một vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, ông Mattis đáp: “Không”.

“Chúng tôi không bao giờ từ bỏ giải pháp ngoại giao”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nói trước khi có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc tại Lầu Năm Góc. “Chúng tôi tiếp tục làm việc cùng nhau, và tôi cùng với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chia sẻ trách nhiệm mang đến sự bảo vệ cho hai đất nước, nhân dân và lợi ích của hai nước”.

Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hối thúc Mỹ kiềm chế, tránh có bất kỳ hành động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên, bởi làm như vậy “có nguy cơ dẫn tới những hậu quả không thể lường trước” - Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Cũng theo tuyên bố này, ông Lavrov nói Nga tin rằng bất kỳ sự trừng phạt bổ sung nào đối với Triều Tiên cũng sẽ phản tác dụng.

Trong khi đó, Nhật Bản kêu gọi siết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Tại Geneva, đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood nói các cường quốc đang bàn bạc xem lệnh trừng phạt bổ sung nào có thể được áp dụng với Triều Tiên.

Việc Mỹ “bơm tiền” cho Triều Tiên mà ông Trump đề cập ngày 30/8 có vẻ như nói đến những khoản viện trợ trước đây mà Mỹ dành cho Bình Nhưỡng. Một báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết từ năm 1995-2008, Mỹ cung cấp cho Triều Tiên hơn 1,3 tỷ USD viện trợ, chủ yếu là thực phẩm và năng lượng. Số viện trợ này là một phần trong một thỏa thuận hạt nhân mà Triều Tiên sau này vi phạm.

Dòng tweet mới nhất của ông Trump về Triều Tiên đã vấp phải sự chỉ trích của một số chính trị gia ở Washington. Nghị sỹ Dân chủ Chris Murphy viết trên Twitter: “Đây có lẽ là dòng tweet nguy hiểm và bất cẩn nhất trong toàn bộ nhiệm kỳ Tổng thống của ông ấy. Hàng triệu mạng sống có thể lâm nguy, đây không phải là trò đùa”.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Mattis luôn nhấn mạnh tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên, đồng thời luôn thể hiện thái độ mềm mỏng hơn so với Tổng thống Trump.

Phát biểu trong chuyến thăm thành phố Nhật Osaka, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 30/8 kêu gọi Trung Quốc, đồng minh lớn và đối tác thương mại lớn duy nhất của Triều Tiên, gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng. Phát biểu này của bà May đồng quan điểm với ông Trump.

Khi được hỏi về lời kêu gọi trên của nhà lãnh đạo Anh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên, một số “bên liên quan luôn đi đầu, nhưng khi thúc đẩy hòa bình, thì họ lại trốn ở phía sau cùng”.