09:07 03/08/2017

Tổng thống Trump chính thức ký dự luật siết trừng phạt Nga

Bình Minh

Ông Trump ký dự luật một cách miễn cưỡng, thể hiện qua việc ông chỉ trích dự luật là xâm phạm quyền lực của ông

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Hamburg, Đức, tháng 7/2017 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Hamburg, Đức, tháng 7/2017 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/8 đã chính thức đặt bút ký vào dự luật tăng cường trừng phạt Nga mà Quốc hội nước này thông qua vào tuần trước. Moscow gọi lệnh trừng phạt này tương đương với một cuộc chiến tranh thương mại và chấm dứt những hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước dưới thời chính quyền Trump.

Với chữ ký của ông Trump, dự luật siết trừng phạt Nga đã chính thức trở thành luật. Theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ đã ký dự luật trong phòng kín, không có những hình ảnh công khai và những tràng vỗ tay như thường thấy khi ông ký các sắc lệnh kể từ khi lên cầm quyền.

Ông Trump ký dự luật một cách miễn cưỡng, thể hiện qua việc ông chỉ trích dự luật là xâm phạm quyền lực của ông trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông cũng nói mình có thể “đạt những thỏa thuận tốt hơn nhiều” với các quốc gia khác so với những gì Quốc hội Mỹ có thể làm.

Được thông qua với số phiếu thuận áp đảo vào tuần trước, dự luật tăng cường trừng phạt Nga đặt ông Trump vào thế đối đầu với Quốc hội Mỹ, bởi dự luật này đi ngược lại mong muốn của ông về cải thiện quan hệ với Moscow.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gọi đạo luật trừng phạt mới của Mỹ đối với nước này là ngang với “một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực”. Thông qua mạng xã hội Facebook, ông Medvedev cũng nói chính quyền Trump đã cho thấy “sự bất lực tuyệt đối”.

“Hy vọng về mối quan hệ được cải thiện của chúng tôi với chính quyền mới của Mỹ đã chấm hết”, ông Medvedev viết.

Trong một tuyên bố gửi các nghị sỹ Mỹ trước khi đặt bút ký dự luật, ông Trump viết: “Tôi ủng hộ những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn ngừa hành vi hung hăng và gây bất ổn của Iran, Triều Tiên, và Nga, nhưng dự luật này có nhiều sai sót”.

Đối với ông Trump, vấn đề nằm ở chỗ đạo luật mới - nhằm trừng phạt Nga về việc mà Mỹ cho là Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 - cho phép Quốc hội Mỹ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của ông nhằm nới lệnh trừng phạt Nga.

Việc tỷ lệ phiếu thuận khi thông qua dự luật này tại Quốc hội Mỹ là quá lớn, nên dù ông Trump có dùng quyền phủ quyết, thì dự luật vẫn sẽ trở thành luật.

Đến thời điểm hiện tại, Nga đã có những động thái trả đũa Mỹ về đạo luật trên. Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng Mỹ phải giảm 755 nhân viên ngoại giao tại nước này. Nga cũng đã tịch thu hai tòa nhà ở gần Moscow do các nhà ngoại giao Mỹ sử dụng.

Đạo luật tăng cường trừng phạt Nga sẽ ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp của nước này và có thể gia tăng thêm sức ép đối với kinh tế Nga. Nền kinh tế xứ bạch dương vốn dĩ đã suy yếu sau đợt trừng phạt hồi năm 2014 liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Không chỉ khiến Nga nổi giận, đạo luật này còn gây bất bình đối với Liên minh châu Âu (EU). Giới chức châu Âu nói lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của khu vực, đồng thời cảnh báo sẽ trả đũa nếu cần.

Nhiều điều khoản trong đạo luật siết trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga, đặt ra những hạn chế mới đối với vốn đầu tư của Mỹ vào các công ty Nga. Các công ty Mỹ cũng sẽ bị cấm tham gia vào các dự án thăm dò năng lượng mà phía Nga nắm cổ phần từ 33% trở lên.

Đạo luật cũng trừng phạt những công ty nước ngoài đầu tư vào hoặc giúp đỡ hoạt động thăm dò năng lượng của Nga. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump có thể bỏ qua điều khoản này.

Ngoài ra, đạo luật cũng cho phép chính quyền Trump được lựa chọn có hay không trừng phạt những công ty giúp phát triển các đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga, bao gồm đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. Đây là một dự án khổng lồ có sự tham gia của các công ty Đức.