11:55 13/06/2015

TPP rơi vào bế tắc tại Hạ viện Mỹ

An Huy

Kết quả cuộc bỏ phiếu này được xem là một “thất bại ê chề” đối với Tổng thống Barack Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hạ viện Mỹ ngày 12/6 để kêu gọi bỏ phiếu ủng hộ TPA - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hạ viện Mỹ ngày 12/6 để kêu gọi bỏ phiếu ủng hộ TPA - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Hạ viện Mỹ ngày 13/6 đã bỏ phiếu chống đối với dự luật TAA, giáng một đòn mạnh vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Kết quả cuộc bỏ phiếu này, với 302 phiếu chống và 126 phiếu thuận, cũng được xem là một “thất bại ê chề” đối với Tổng thống Barack Obama, bởi chính các hạ nghị sỹ thuộc phe Dân chủ cũng bỏ phiếu chống TAA - dự luật về trợ giúp người lao động Mỹ bị mất việc do tác động bởi các hiệp định thương mại.

Cùng ngày, Hạ viện Mỹ tiến hành một cuộc bỏ phiếu thứ hai với kết quả 219 phiếu thuận và 211 phiếu chống thông qua dự luật quyền đàm phán nhanh TPA. Dự luật này là công cụ cho phép Tổng thống Mỹ đệ trình lên Quốc hội nước này các thỏa thuận thương mại mà các nghị sỹ ở lưỡng viện chỉ có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ chứ hoàn toàn không có quyền sửa đổi.

Hai dự luật TAA và TPA cùng nằm trong một gói dự luật được xem là một điều kiện thiết yếu để có thể kết thúc đàm phán TPP, bởi các nước tham gia đều không muốn đưa ra những nhượng bộ đầy khó khăn để rồi sau đó lại bị Quốc hội Mỹ thay đổi.

Để cả gói dự luật được phê chuẩn ở Hạ viện, đòi hỏi cả hai dự luật này cùng được thông qua. Vào tháng 5, gói dự luật này đã được Thượng viện Mỹ chấp thuận.

Chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, ông Obama đã tới đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội, để bày tỏ lời kêu gọi mang tính cá nhân vào phút chót đối với các nghị sỹ cùng thuộc Đảng Dân chủ, đề nghị họ bỏ phiếu ủng hộ. Tuy vậy, lời kêu gọi này của ông chủ Nhà Trắng đã không được chính những người cùng đảng ông hưởng ứng.

Các cuộc tranh luận và bỏ phiếu liên quan đến TPP chắc chắn sẽ là một chủ đề được nói đến nhiều trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới. Hầu hết các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa đều ủng hộ TPP. Bên phía Đảng Dân chủ, ứng cử viên Hillary Clinton chưa thể hiện lập trường về TPP, dù các đối thủ kêu gọi bà đưa ra lập trường rõ ràng.

Các doanh nghiệp Mỹ nhìn chung ủng hộ hiệp định này. Tuy vậy, sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn ít nhất cũng là một mối đe dọa đối với khả năng tái đắc cử của bất kỳ nghị sỹ Dân chủ nào bỏ phiếu ủng hộ TPP.

“Hãy làm chậm lại việc đàm phán nhanh để đạt một thỏa thuận tốt hơn cho người dân Mỹ”, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu.

Bài phát biểu của bà Pelosi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nghị sỹ Dân chủ có sự hậu thuẫn của các tổ chức công đoàn, những người đã nỗ lực suốt nhiều tháng qua để phản đối TAA.

Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số tại Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện John Boehner và các nhà lãnh đạo Cộng hòa khác trong Hạ viện đã nỗ lực cùng với Tổng thống Obama nhằm thông qua TAA. Tuy vậy, nhiều nghị sỹ Cộng hòa không muốn mở rộng thẩm quyền cho Tổng thống, trong khi không có đủ số nghị sỹ Dân chủ ủng hộ Obama để TAA nhận được đủ số phiếu thuận.

Kết quả cuộc bỏ phiếu này cũng là một chiến thắng lớn của các tổ chức công đoàn vốn đã vận động mạnh mẽ các nghị sỹ phản đối TPP. Giới công đoàn Mỹ cho rằng TPP có thể sẽ khiến người lao động nước này mất đi hàng nghìn việc làm.

Nghị sỹ Cộng hòa Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Hạ viện Mỹ đồng thời là một người ủng hộ TPP, nói với các nhà báo: “Mọi chuyện còn chưa kết thúc”.

Nhà Trắng đồng tình với quan điểm này. “Công việc của chúng tôi còn chưa hoàn tất”, thư ký báo chí của Tổng thống, Josh Earnest, phát biểu. Ông Earnest so sánh kết quả bỏ phiếu ngày 12/6 với trở ngại tạm thời ở Thượng viện trước khi vượt qua “cửa ải” Thượng viện thông qua hồi tháng 5.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi thì nói rằng TAA “đang bị mắc kẹt”, gợi ý rằng nếu dự luật này được điều chỉnh thì vẫn có khả năng tiến xa hơn.

Tuy vậy, không rõ liệu đa số các nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ TPP và Nhà Trắng có thể thúc đẩy hiệp định này trong thời gian sắp tới hay không.

Mỹ là quốc gia khởi xướng TPP vào năm 2010 và dẫn đầu các cuộc đàm phán nhằm đi tới ký kết hiệp định này. Cùng với Mỹ, 11 nước khác tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm tỷ trọng 40% nền kinh tế toàn cầu.