15:57 13/11/2013

Trung Quốc công bố loạt cải cách quan trọng

Thanh Hải

Giải pháp cốt lõi là xử lý tốt quan hệ giữa chính phủ và thị trường, để thị trường quyết định trong việc phân phối các nguồn lực

Hội nghị nhất trí thông qua nghị quyết về các vấn đề trọng đại liên quan tới chương trình cải cách sâu rộng toàn diện - Ảnh: THX.<br>
Hội nghị nhất trí thông qua nghị quyết về các vấn đề trọng đại liên quan tới chương trình cải cách sâu rộng toàn diện - Ảnh: THX.<br>
Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 12/11 đã thông qua nghị quyết về "các vấn đề trọng đại liên quan tới việc cải cách sâu rộng toàn diện".

Đây được coi là văn kiện xác định tinh thần chung của công cuộc cải cách toàn diện của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng thể của kế hoạch cải cách sâu rộng và toàn diện này là hoàn thiện và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa thể chế, năng lực quản lý quốc gia.

Theo nghị quyết này, việc cải cách sâu rộng toàn diện phải dựa trên thực tế, "đất nước Trung Quốc lâu nay vẫn đang trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội và chặng đường phía trước còn dài", và "Trung Quốc cần phải kiên trì theo đuổi đánh giá chiến lược rằng, phát triển là chìa khóa có thể giải quyết tất cả những vấn đề của đất nước Trung Quốc".

Vấn đề trọng tâm của nghị quyết là cải cách thể chế kinh tế, giải pháp cốt lõi là xử lý tốt quan hệ giữa chính phủ và thị trường, để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân phối các nguồn lực và phát huy tốt hơn vai trò của chính phủ. Để thị trường quyết định việc phân phối các nguồn lực, nhiệm vụ cơ bản là xây dựng một nền kinh tế mở và thống nhất, cạnh tranh có trật tự.

Hội nghị nói trên đã đặt ra mục tiêu, tới năm 2020 cần đạt được những kết quả quyết định trên những lĩnh vực chủ chốt, các khâu then chốt, đồng thời hình thành hệ thống thể chế hoàn thiện, khoa học, vận hành hữu hiệu, nhằm đảm bảo các cơ chế trên tất cả các mặt chín muồi hơn, định hình hơn.

Nghị quyết nêu rõ, thể chế kinh tế cơ bản, trong đó chế độ công hữu làm chủ thể, kinh tế nhiều loại hình sở hữu cùng phát triển, là trụ cột quan trọng của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, gốc rễ cơ bản của thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Chế độ công hữu, phi công hữu đều là thành phần quan trọng của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cơ sở quan trọng phát triển kinh tế, xã hội Trung Quốc.

Theo nghị quyết, cần kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thị trường hiện đại, kiện toàn thể chế nhất thể hóa phát triển thành thị và nông thôn, tăng cường xây dựng chế độ chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách sự nghiệp xã hội, đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội...

Trong hệ thống thị trường hiện đại, các hoạt động kinh doanh phải được hoạt động độc lập và cạnh tranh bình đẳng, trong khi người tiêu dùng được tự do lựa chọn và chi tiêu. Trung Quốc cam kết dỡ bỏ các rào cản trên thị trường, nâng cao hiệu quả cũng như công bằng trong phân bổ nguồn lực, đưa ra những quy định thị trường minh bạch, cởi mở và bình đẳng; cải thiện cơ chế giá cả thị trường.

Nghị quyết còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc thành lập một hệ thống tài chính hiện đại, cải thiện các hệ thống thuế và quản lý ngân sách cũng như hệ thống pháp luật liên quan. Hệ thống tư pháp cũng sẽ được cải cách nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân, đồng thời thiết lập một hệ thống phù hợp để bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo nghị quyết, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thành lập một ủy ban chỉ đạo trung ương quá trình cải cách sâu rộng toàn diện này. Cơ quan đó có nhiệm vụ hoạch định tiến trình cải cách một cách toàn diện, điều phối và thúc đẩy cải cách một cách tổng thể, đồng thời giám sát việc thực hiện các kế hoạch cải cách.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ thành lập ủy ban an ninh quốc gia, nâng cao năng lực điều hành xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm đời sống của người dân và sự ổn định xã hội.