11:33 05/05/2015

Trung Quốc - Đài Loan gặp cấp cao lần đầu sau 6 năm

Bình Minh

Cuộc gặp diễn ra chỉ một tuần sau khi quốc gia gặp thảm họa động đất Nepal từ chối lời đề nghị viện trợ của Đài Loan

Ông Tập Cận Bình (phải) với vai trò Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc đã chào đón ông Eric Chu (trái), người đứng đầu Quốc dân đảng của Đài Loan, tới Bắc Kinh vào buổi sáng ngày 4/5 - Ảnh: BBC.
Ông Tập Cận Bình (phải) với vai trò Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc đã chào đón ông Eric Chu (trái), người đứng đầu Quốc dân đảng của Đài Loan, tới Bắc Kinh vào buổi sáng ngày 4/5 - Ảnh: BBC.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 4/5 đã có cuộc gặp với người đứng đầu Quốc dân đảng Đài Loan Eric Chu. Tờ Financial Times cho biết, đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên trong vòng 6 năm qua.

Ông Tập Cận Bình với vai trò Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chào đón ông Eric Chu tới Bắc Kinh vào sáng 4/5.

Cuộc gặp diễn ra chỉ một tuần sau khi quốc gia gặp thảm họa động đất Nepal từ chối lời đề nghị viện trợ của Đài Loan nhằm không để Bắc Kinh “mếch lòng”. Nepal nói rằng, không một chính phủ nào trên thế giới nên công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.

Theo báo chí Trung Quốc, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, ông Chu bày tỏ hy vọng Đài Loan có thể đóng một vai trò lớn hơn trong các tổ chức và hoạt động quốc tế và Trung Quốc sẽ cho phép Đài Loan có thêm “dư địa để phát triển” trên trường quốc tế.

Hiện mới chỉ có tòa thánh Vatican và một vài quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Phi và đảo quốc trên Thái Bình Dương công nhận Đài Loan là một quốc gia. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và từ lâu vẫn tuyên bố có quyền giành lại hòn đảo này bằng vũ lực.

Sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đắc cử vào năm 2008, Quốc dân đảng đưa ra chính sách hợp tác với Trung Quốc đại lục. Một cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ở vùng lãnh thổ này vào đầu năm tới được coi sẽ là “bài kiểm tra” để xác định xem chính sách này nhận được sự ủng hộ ra sao từ 23 triệu người dân Đài Loan.

Với số phận chính trị của Quốc dân đảng gắn chặt với mối quan hệ ấm lên giữa hai bên, Quốc dân đảng đang ở trong một “thế khó” là phải bênh vực các hành động của Bắc Kinh.

“Chính quyền Mã Anh Cửu thường phải bảo vệ Bắc Kinh hoặc phủ nhận việc cho rằng Bắc Kinh có hành động xấu, bởi họ không muốn chính sách hợp tác với đại lục bị xem là một thất bại”, chuyên gia cấp cao Michael Cole thuộc Viện nghiên cứu Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham nhận định.

Việc Bắc Kinh từ chối đơn của Đài Loan xin gia nhập dự án Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng cũng gây bất lợi cho những tuyên bố của Quốc dân đảng rằng mối quan hệ xích lại giữa hai bờ eo biển đang mang lại kết quả.