16:20 15/08/2014

Trung Quốc sắp đưa kho nổi khổng lồ ra đông biển Đông

Tâm Anh

Kho nổi được mệnh danh là "hàng không mẫu hạm" trong ngành dầu khí, hay "nhà máy lọc dầu trên biển"

Kho nổi Haiyang Shiyou 118 của Trung Quốc - Ảnh: Asia Oil &amp; Gas.<br>
Kho nổi Haiyang Shiyou 118 của Trung Quốc - Ảnh: Asia Oil &amp; Gas.<br>
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 8/8 cho biết đã đóng xong kho nổi (FPSO) thứ 17 mang tên Haiyang Shiyou 118 và dự kiến tàu này sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 8.

Theo trang Asia Oil & Gas, CNOOC đã đầu tư 2,7 tỷ Nhân dân tệ (440 triệu USD) vào FPSO, trong đó chi phí mua sắm cho dự án và đóng tàu chiếm khoảng 74% tổng giá trị đầu tư. Gần 80% trong số 353 linh kiện cỡ lớn và vừa được mua từ các nhà cung cấp nội địa của Trung Quốc.

Trang tin tức trên cho biết, Haiyang Shiyou 118 được đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Kho nổi này dự kiến sẽ được sử dụng tại mỏ dầu Enping 24-2 ở cửa khẩu sông Châu Giang, phía đông của biển Đông.

Kho nổi Haiyang Shiyou 118 dài thân 266,64 m, diện tích boong tàu tương đương hai sân bóng đá tiêu chuẩn. Chiều cao lên tới 50,5 m, ngang tòa nhà 17 tầng. Lượng giãn nước của Haiyang Shiyou 118 là khoảng 35.000 tấn. Tàu này có khả năng xử lý được 56.000 thùng dầu mỗi ngày.

FPSO viết tắt từ cụm "kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu thô". Đối với ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi, việc sử dụng FPSO được xem là một giải pháp hiệu quả đối với các mỏ dầu ở vùng nước sâu, xa bờ, đặc biệt là các mỏ cận biên khi chi phí xây dựng tuyến ống dẫn không hiệu quả.

FPSO được mệnh danh là "hàng không mẫu hạm" trong ngành dầu khí, hay còn gọi là "nhà máy lọc dầu trên biển". Mạng tin Gas Show cho hay, đến nay, số kho nổi trong tay CNOOC đã lên tới 17 chiếc, với quy mô và trọng tải thuộc hàng đầu thế giới.

Theo trang tin Asia Oil & Gas, CNOOC vận hành "hạm đội" kho nổi này chủ yếu tại các khu vực biển Đông và biển Bột Hải, ở các vùng nước có độ sâu từ 10 đến 330 m.