07:45 05/03/2015

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 10%

Diệp Vũ

Động thái này cho thấy giảm tốc tăng trưởng sẽ không có ảnh hưởng lớn tới các kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh

Năm ngoái, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 12,2%, lên mức khoảng 132 tỷ USD, chỉ sau Mỹ - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Năm ngoái, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 12,2%, lên mức khoảng 132 tỷ USD, chỉ sau Mỹ - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng thêm khoảng 10% trong năm nay, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao của nước này cho biết hôm qua (4/3). Động thái này cho thấy giảm tốc tăng trưởng sẽ không có ảnh hưởng lớn tới các kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh thông qua mua sắm tàu ngầm, tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình mới.

Bà Fu Ying, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc, nói tại một cuộc họp báo rằng, con số chính xác về ngân sách quốc phòng của nước này năm 2015 sẽ được công bố hôm nay (5/5), ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc. Theo bà Fu, mức tăng ngân sách quốc phòng này phù hợp với mức tăng chung trong chi tiêu ngân sách của Trung Quốc năm nay.

“Là một quốc gia lớn, Trung Quốc cần sức mạnh quân sự để có thể bảo vệ an ninh quốc gia và người dân của mình”, bà Fu nói. “Lịch sử đã dạy cho chúng tôi một bài học là khi chúng tôi tụt lại phía sau, chúng tôi bị tấn công. Chúng tôi sẽ không quên điều đó”.

Năm ngoái, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 12,2%, lên mức khoảng 132 tỷ USD, chỉ sau Mỹ. Giới chức quốc phòng nước ngoài và chuyên gia cho rằng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc có thể cao gấp đôi so với con số chính thức. Tuy nhiên, mức chi tiêu quốc phòng như vậy của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với mức chi 585 tỷ USD mà Lầu Năm Góc đề xuất cho năm tới.

Gần 2 thập kỷ tăng ngân sách quốc phòng ở tốc độ 2 con số đã cải thiện mạnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc và khiến nhiều nước láng giềng quan ngại - theo nhận định của Wall Street Journal - nhất là trong 4 năm qua khi Bắc Kinh đưa ra lập trường cứng rắn hơn về các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, như các tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Thực trạng này đã khiến một số quốc gia, bao gồm Nhật Bản và Ấn Độ, tăng mạnh ngân sách quân sự và cải thiện mối quan hệ quốc phòng với Mỹ. Về phần mình, Washington đã tìm cách trấn an đồng minh và đối tác trong khu vực bằng một chiến lược tập trung thêm nguồn lực quân sự và các nguồn lực khác vào châu Á.

Trung Quốc nói, chi tiêu quân sự của nước này không đe dọa các quốc gia khác mà chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho các lực lượng vũ trang. Bắc Kinh cũng cho rằng, mức ngân sách quốc phòng như vậy là thấp hơn nhiều so với các nước khác nếu như tính trên bình quân đầu người hay tỷ lệ so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

“So với các nước lớn khác, con đường hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc khó khăn hơn”, bà Fu phát biểu hôm qua. “Chúng tôi phải tự lực về phần lớn các thiết bị quân sự cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D)”.

“Ngoài ra, chúng tôi còn phải liên tục tăng cường việc bảo vệ các sỹ quan và binh sỹ của mình. Tuy nhiên, về cơ bản mà nói, chính sách quốc phòng của Trung Quốc về bản chất là nhằm tự vệ”, bà Fu nói.

Mặc dù vậy, Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng chi tiêu quân sự ở mức cao bất chấp tăng trưởng GDP giảm còn 7,4% trong năm ngoái, mức thấp nhất trong gần 1/4 thế kỷ. Năm nay, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng khoảng 7%.

Một số chuyên gia cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần duy trì chi tiêu quân sự ở mức cao một phần nhằm đảm bảo lòng trung thành của các tướng lĩnh còn lại sau khi nhiều vị tướng đã bị bắt giữ trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay mà ông Tập khởi xướng. Tuần này, quân đội Trung Quốc tuyên bố có thêm 14 vị tướng bị điều tra.

Năm ngoái, một báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quốc phòng Trung Quốc dự báo, trong vòng mấy năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung phát triển các năng lực như tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay, máy bay không người lái, chiến đấu cơ tàng hình, và tấn công mạng. “Trung Quốc có sức mạnh tài chính và ý chí chính trị để hỗ trợ tăng chi tiêu quốc phòng ở mức tương đối trong tương lai trước mắt”, báo cáo này đánh giá.

Bà Fu nói, Trung Quốc cần hiện đại hóa các lược lượng vũ trang của mình vì “vẫn còn khoảng cách” với các quốc gia khác về thiết bị quân sự. “Chúng tôi cần thời gian”, bà Fu phát biểu.