12:03 25/03/2013

Vì đâu Nhật Bản lâm cảnh “thiếu trẻ con”?

Thanh Hải

Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất nằm trong OECD có số lượng thú cưng nhiều hơn cả trẻ em

Tỷ lệ sinh đẻ ở Nhật chỉ là 1,37 trên mỗi phụ nữ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cân bằng 2,1 - Ảnh: BBC.
Tỷ lệ sinh đẻ ở Nhật chỉ là 1,37 trên mỗi phụ nữ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cân bằng 2,1 - Ảnh: BBC.
Theo một nghiên cứu công bố gần đây, nếu tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học tiếp tục diễn ra, trong vòng 50 năm tới, Nhật Bản sẽ xảy ra một việc chưa từng có tiền lệ. Đó là quốc gia này sẽ giảm đi 1/3 dân số.

Chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Nhật, bà Kathy Matsui, cho rằng, mặc dù tỷ lệ sinh đẻ ở các nước phát triển đều thấp, nhưng Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất nằm trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có số lượng thú cưng nhiều hơn cả trẻ em. Tỷ lệ sinh đẻ ở Nhật chỉ là 1,37 trên mỗi phụ nữ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cân bằng 2,1.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng dân số Nhật Bản ngày càng già, trong khi trẻ con ngày càng thiếu, thì có nhiều, song, theo các chuyên gia phân tích, một lý do quan trọng không thể không nhắc tới, là vai trò, địa vị xã hội của những phụ nữ Nhật sau khi sinh con.

Theo hãng tin BBC, ở Nhật Bản, số phụ nữ có bằng đại học nhiều không kém gì so với nam giới và lượng phụ nữ đi làm đã tăng đều đặn trong vòng 10 năm trở lại đây. Song, nhiều phụ nữ sau khi sinh con đẻ cái đã không thể trụ lại ở công ty cũ. Việc tìm kiếm một công việc mới và phù hợp cũng là một trở ngại rất lớn.

Chị Nobuko Ito là một ví dụ. Ito là một phụ nữ hiện đại. Chị là một luật sư có tài, nói tiếng Anh lưu loát và đã từng làm việc nhiều năm cho một hãng luật quốc tế. Nhưng hiện tại chị không còn làm ở đó nữa, cũng như không tham gia hoạt động chuyên môn gì. Chị đã có 3 con. Ở Nhật Bản là thế, có việc thì không có con và ngược lại. Có cả hai là điều rất khó.

Chị tâm sự, “trước khi sinh con, công việc của tôi bận tối ngày. Mỗi tháng, tôi phải tiếp xúc với khách hàng 300 giờ. Tôi tới công ty vào lúc 9h sáng và về nhờ vào 3h sáng hôm sau. Cuối tuần, tôi cũng phải đi làm. Nếu bạn muốn giữ công việc thì phải quên bọn trẻ và phải cống hiến hết mình cho công ty. Tôi không thể làm được điều đó. Đó là điều không thể”.

Trường hợp của chị Ito không phải hy hữu, mà là đại diện cho nền văn hóa doanh nghiệp khắc nghiệt ở Nhật Bản. Đó là một trong những lý do tại sao 70% phụ nữ Nhật Bản thôi đi làm, sau khi sinh đứa con đầu lòng.

Một lý do khác là những người chồng của họ. Nói về việc giúp đỡ vợ con làm công việc gia đình, thì đàn ông Nhật Bản vẫn còn thua xa đàn ông châu Âu và châu Mỹ. Những ông chồng ở Thụy Điển, Đức, Mỹ thường dành 3 giờ mỗi ngày để giúp vợ làm việc nhà và chăm sóc con cái. Trong khi đàn ông Nhật chỉ dành 1 giờ giúp vợ và 15 phút chơi với con cái.

Việc chăm sóc con cái ban ngày cũng là một khó khăn khác, khiến nhiều phụ nữ dù muốn đi làm trở lại sau khi sinh cũng phải bó tay bó chân. Theo số liệu thống kê của chính quyền Tokyo, khoảng 20.000 đứa trẻ ở thành phố này đang đợi để được nhận vào một trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày. Các trường mầm non công lập có chất lượng rất tốt, nhưng quá ít và đắt đỏ.

“Tôi phải trả 1.000 USD mỗi tháng cho mỗi đứa con học trong trường mầm non công, còn trường tư thục thì phải tốn kém hơn, tới 2.000 USD mỗi tháng. Tất nhiên là chất lượng rất tốt”, chị Ito kể.

Việc thuê người giúp việc để đỡ đần chăm sóc con cái lúc mẹ đi làm cũng không phải là điều dễ dàng. Từng có lần trả lời trên tờ Sunday Times, giáo sư Glenda Roberts thuộc trường Đại học Waseda, nói rằng, không giống như những nước khác, việc thuê người giúp việc nước ngoài ở Nhật là không thể được, do luật nhập cư khắt khe của nước này.

Chuyên gia Matsui cho rằng, việc giúp đỡ các bà mẹ Nhật Bản giữ được việc làm nên được xem là một chính sách ưu tiên của quốc gia. Điều đó có thể góp thêm 15% vào GDP của Nhật Bản. Một lý do quan trọng hơn nữa, là việc này có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt trẻ con hiện nay. Nhật Bản hiện đang đối mặt với vấn đề dân số ngày càng già hóa.

Theo giáo sư Roberts, phụ nữ Nhật ngày nay được học hành tử tế hơn và có nhiều tham vọng về việc làm và sự nghiệp trong cuộc đời của họ, chứ không phải chỉ “sinh ra để làm mẹ và bà nội trợ” như trước kia. Tiến sĩ Thang Leng Leng, một nhà nhân chủng học thuộc khoa Nhật Bản học của trường Đại học Quốc gia Singapore, cho biết nhiều phụ nữ Nhật chọn việc làm, thay vì hôn nhân và con cái.

Những bằng chứng từ châu Âu và Mỹ đã cho thấy, việc giúp đỡ phụ nữ giữ được công việc làm có thể làm tăng tỷ lệ sinh đẻ. Ở những quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch và Mỹ, tỷ lệ lao động nữ cao và tỷ lệ sinh cũng cao. Còn những nước có tỷ lệ lao động nữ thấp như Italy, Hàn Quốc và Nhật Bản thì tỷ lệ sinh đẻ cũng thấp.