10:14 12/06/2015

Vì sao Chu Vĩnh Khang phải bị xử kín?

An Huy

“Ông ấy biết quá nhiều”, nhà lịch sử học Zhang Lifan ở Bắc Kinh nhận xét về Chu Vĩnh Khang

Chu Vĩnh Khang trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm 2008 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Chu Vĩnh Khang trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm 2008 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, việc Trung Quốc tuyên án cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang sau một phiên xét xử bí mật kéo dài một ngày đã cho thấy những hạn chế trong chiến dịch chống tham nhũng của nước này, cũng như lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tăng cường hiệu lực của pháp luật.

Hồi tháng 3 năm nay, nhà chức trách Trung Quốc nói rằng ít nhất một phần phiên tòa xử Chu Vĩnh Khang sẽ được công khai. Tuy vậy, ngày 11/6, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin Chu đã lĩnh án tù chung thân sau một phiên xử kín ở Thiên Tân hồi tháng 5.

Theo Tân Hoa Xã, Chu đã thừa nhận 3 tội danh gồm hối lộ, lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật nhà nước.

Có nhiều ý kiến cho rằng, vụ xét xử một trong những chính trị gia quyền lực nhất của Trung Quốc là cơ hội “cả thế hệ mới có một lần” để Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy sự phát triển của hệ thống pháp luật. Nhưng rốt cục, Bắc Kinh đã chọn lối đi an toàn hơn là xét xử bí mật, thay vì chọn cách làm nhiều rủi ro là tạo cho Chu Vĩnh Khang, năm nay 72 tuổi, một cơ hội để “tung hê” tất cả bí mật.

“Ông ấy biết quá nhiều”, nhà lịch sử học Zhang Lifan ở Bắc Kinh nhận xét về Chu Vĩnh Khang.

“Ông Tập Cận Bình phải đối mặt với một người có quan hệ sâu rộng trong hệ thống. Nếu những bí mật lộ ra, thì toàn bộ hệ thống sẽ rung chuyển. Điều này cho thấy sức mạnh phản kháng lại chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập”.

Cho tới năm 2012, Chu Vĩnh Khang nắm trong tay toàn bộ hệ thống an ninh rộng lớn của Trung Quốc, bao gồm các cơ quan cảnh sát, công tố và tòa án. Ông là quan chức cấp cao nhất đối mặt với các cáo buộc tham nhũng trong lịch sử của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông cũng có ảnh hưởng sâu rộng trong một hệ thống gồm các nhân vật thân tín trải khắp các ngành dầu lửa, truyền thông và ở tỉnh Tứ Xuyên.

Theo tiết lộ của một số nguồn tin thân cận, Chu Vĩnh Khang từng bí mật ra lệnh theo dõi trái phép các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, bao gồm cả ông Tập Cận Bình.

Việc ông Tập cho bắt giữ một cựu trợ lý của Chu Vĩnh Khang sau khi lên nắm quyền chỉ vài tuần đã mở màn cho một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn thường được gọi là “đả hổ, diệt ruồi”. Đến nay đã có hơn 100.000 “con hổ” và “con ruổi” - chỉ quan chức từ lớn đến nhỏ - bị “hạ bệ” trong chiến dịch này.

Ông Tập đã đặt cải cách luật pháp lên vị trí ưu tiên hàng đầu, thể chế hóa chiến dịch chống tham nhũng và tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng.

“Ông Tập Cận Bình đang bước đi trên một ranh giới mong manh. Ông ấy muốn mạnh tay hết mức có thể, nhưng cũng không muốn làm ảnh hưởng đến đảng”, giáo sư Rosita Dellios thuộc Đại học Bond của Australia nhận xét. “Vụ Bạc Hy Lai cho thấy những gì có thể xảy ra ngoài mong muốn trong một phiên tòa công khai”.

Trong phiên tòa xét xử công khai vào năm 2013, Bạc Hy Lai nói với tòa rằng ông đã nhận được lệnh từ Ủy ban Trung ương Các vấn đề chính trị và luật pháp do Chu Vĩnh Khang đứng đầu về cách thức xử lý vụ Vương Lập Quân, một bộ hạ thân tín của Bạc Hy Lai, bỏ trốn tới lãnh sự Mỹ ở Thành Đô.

Chính vụ việc của Vương Lập Quân đã làm lộ ra việc vợ của Bạc Hy Lai là bà Cốc Khai Lai đứng đằng sau cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood.

Theo nhà sử học Zhang, nếu Chu Vĩnh Khang bị xét xử công khai, thì có thể còn có nhiều chuyện khó lường hơn. Có thể ông Tập Cận Bình không muốn để Chu có cơ hội làm lộ ra những bí mật của các quan chức cấp cao khác. Nếu có thêm bí mật bị lộ, hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ xấu đi thêm giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng đã tấn công vào tầng lớp quyền lực cao nhất.

“Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến dịch “săn hổ lớn” của ông Tập đã gần tới hồi kết”, ông Zhang nhận định.