16:18 12/06/2014

Vì sao Trung Quốc xấu xí trong mắt quốc tế?

Tâm Anh

Sự thực là nhiều quốc gia ở châu Á hiện đang xem Trung Quốc như một "gã to xác chuyên đi bắt nạt"

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam trên biển Đông - Ảnh: AP.<br>
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam trên biển Đông - Ảnh: AP.<br>
Liệu Trung Quốc có quan tâm tới thể diện của họ trước thế giới hay không? Theo học giả Dingding Chen tới từ trường Đại học Macau, Trung Quốc coi lợi ích cốt lõi cao hơn hình ảnh của họ trước quốc tế.

Trong bài viết đăng ngày hôm nay (12/6) trên tờ The Diplomat của Nhật Bản, học giả Dingding Chen đã đưa ra nhận định rằng, hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức. Tuy vậy, nếu được yêu cầu phải chọn lựa giữa vấn đề lợi ích quốc gia và việc bảo vệ hình ảnh quốc gia, Trung Quốc sẽ chọn lợi ích quốc gia.

Kết quả một cuộc điều tra dư luận do BBC World Service tiến hành gần đây cho thấy, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc chưa xứng tầm. Mặc dù năm nay tỷ lệ ý kiến tích cực và tiêu cực là ngang nhau (đều là 42%), song hình ảnh Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước láng giềng quan trọng nhất của Trung Quốc, thì thực sự rất là tệ hại.

Ở Hàn Quốc, chỉ có 32% số người được hỏi có cái nhìn tích cực đối với Trung Quốc, trong khi số người ghét cay ghét đắng Trung Quốc chiếm tới 56%. Ở Nhật Bản, tình hình còn tệ hơn khi chỉ có 3% người Nhật có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, thấp kỷ lục, trong khi có tới 73% đánh giá Trung Quốc có ảnh hưởng tiêu cực ở khu vực châu Á.

Tuy nhiên, hình ảnh của Trung Quốc ở châu Phi và Mỹ Latin khá tích cực. Ở cả ba nước châu Phi có tên trong cuộc khảo sát, tỷ lệ ý kiến tích cực về Trung Quốc đều rất cao, với 85% ở Nigeria, 67% ở Ghana và 65% ở Kenya. Còn ở Mỹ Latin, chỉ Mexico là nước có tỷ lệ ý kiến tiêu cực về Trung Quốc cao hơn số ý kiến tích cực (40% và 30%).

Ba nước Mỹ Latin còn lại đều có tỷ lệ ý kiến tích cực cao hơn so với tỷ lệ ý kiến tiêu cực, như Peru 54% so với 24%; Brazil 52% so với 29% và Argentina với 45% so với 20%.

Một điều thú vị nữa là hình ảnh quốc tế của Trung Quốc rất tiêu cực đối với nhóm quốc gia phát triển, như ở Anh (49% tiêu cực so với 46% tích cực), Australia (47% tiêu cực so với 44% tích cực). Đặc biệt là ở Đức, chỉ có 10% ý kiến có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc, trong khi số người có cái nhìn không tích cực về Trung Quốc lên tới 76%.

Một câu hỏi đặt ra là "liệu Trung Quốc có quan tâm tới hình ảnh quốc tế của mình không?". Với những hành động khiêu khích ngang ngược trong thời gian gần đây của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, có thể thấy được rằng Trung Quốc không hề tỏ ra quan tâm tới hình ảnh của họ trong mắt các quốc gia láng giềng ở khu vực châu Á.

Điều này thật mâu thuẫn với những nỗ lực của Trung Quốc trong các năm gần đây nhằm nâng cao quyền lực mềm (*) cũng như xây dựng một hình ảnh quốc gia tích cực trên thế giới. Do đó, điều khó hiểu là nếu Trung Quốc quan tâm tới hình ảnh quốc tế của họ, thì sao nước này lại cư xử theo cách làm tổn hại hình ảnh quốc gia của chính họ như vậy?

Đây là một câu hỏi hợp logic, bởi một số bằng chứng cho thấy nhiều quốc gia ở châu Á hiện đang xem Trung Quốc như một "gã to xác chuyên đi bắt nạt" các quốc gia nhỏ hơn.

Học giả Dingding Chen đưa ra nhận định, có ba cách có thể lý giải sự mâu thuẫn giữa một bên là chiến dịch xây dựng hình ảnh quốc gia của Trung Quốc và một bên là cách ứng xử ngang ngược gần đây của nước này. Thứ nhất, có thể rằng Trung Quốc không hề nhìn bao quát một cách thực sự ý tưởng về hình ảnh quốc gia hay là quyền lực mềm.

Căn cứ vào logic theo thuyết duy thực đang thống trị ở Trung Quốc, điều thật sự quan trọng trong chính trị quốc tế là sức mạnh vật chất, còn sức mạnh mềm là một sản phẩm phụ của sức mạnh vật chất. Do đó, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã chấp nhận quan điểm "thà để người ta sợ còn hơn là được người ta yêu quý" trong chính trị quốc tế.

Nếu thực sự đây là lý do chi phối chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong những năm gần đây, thì không có điều gì là bất ngờ khi Trung Quốc cảm thấy không thật cần thiết để cải thiện hình ảnh quốc gia của họ.

Cách lý giải thứ hai có thể là Trung Quốc có quan tâm tới hình ảnh quóc gia nhưng thiếu kinh nghiệm hoặc thậm chí là vụng về trong việc thúc đẩy hình ảnh quốc gia. Quả thực là, những năm gần đây Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực vào "ngoại giao công chúng". Bắc Kinh đã chi nhiều tiền tổ chức Olympic 2008 để thúc đẩy hình ảnh của họ.

Rõ ràng là Bắc Kinh muốn thể hiện một hình ảnh quốc gia tích cực và hòa bình với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, có thể là các quan chức Trung Quốc, những người chịu trách nhiệm thúc đẩy hình ảnh quốc gia, không đủ khả năng hoặc có sự thiếu hợp tác giữa những bộ ngành như giữa bộ ngoại giao và quân đội nên mới dẫn đến kết quả như vậy.

Cách lý giải cuối cùng cho sự thờ ơ của Trung Quốc đối với hình ảnh quốc gia là chiến lược đặt các lợi ích quốc gia lên trên hết. Do đó, dù quan tâm tới hình ảnh quốc gia, nhưng Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của họ, như đầu năm nay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sẽ không hy sinh lợi ích cốt lõi trong bất cứ hoàn cảnh nào.

* Khái niệm quyền lực mềm được giáo sư Joseph Nye tới từ trường Đại học Harvard giải thích lần đầu tiên trong cuốn "Bound to Lead: The Changing Nature of American Power" phát hành vào năm 1990. Ông giải thích rõ hơn về khái niệm này trong cuốn sách "Soft Power: The Means to Success in World Politics" được xuất bản vào năm 2004.

Quyền lực mềm được hiểu một cách đơn giản là việc tạo sự hấp dẫn của bản thân nhằm gây ảnh hưởng lên người khác, khiến cho người ta làm theo những gì mình mong muốn (chứ không phải sử dụng quyền lực đe dọa, mua chuộc). Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên ba yếu tố: văn hóa, giá trị và chính sách của quốc gia đó.