10:11 23/01/2015

Vua Saudi Arabia băng hà, giá dầu có thay đổi?

An Huy

Có những đồn đoán về khả năng thay đổi chính sách sau khi vua Abdullah băng hà

Nhà vua Abdullah vừa băng hà (trái) và người trị vì mới của Saudi Arabia - vua Salman (phải) - Ảnh: Getty và Reuters.<br>
Nhà vua Abdullah vừa băng hà (trái) và người trị vì mới của Saudi Arabia - vua Salman (phải) - Ảnh: Getty và Reuters.<br>
Thị trường dầu lửa đang đặt câu hỏi, liệu nhà vua Salman, người trị vì mới của Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - liệu có duy trì chính sách dầu lửa của người tiền nhiệm?

Vua Salman lên ngôi ngay sau khi người anh trai là vua Abdullah băng hà vào rạng sáng nay (23/1).

Tuyên bố về cái chết của nhà vua Abdullah, người được cho là sinh năm 1923, đã được phát đi trên kênh truyền hình nhà nước Saudi Arabia vào sáng sớm nay. Sau khi lên ngôi, vua Salman, 79 tuổi, truyền lại ngôi Thái tử Saudi Arabia cho người em trai cùng cha khác mẹ Muqrin.

Vua Abdullah chính thức trị vì Saudi Arabia từ năm 2006, nhưng trên thực tế, ông đã lãnh đạo nước này từ một thập kỷ trước đó sau khi vị vua tiền nhiệm Fahd bị đột quỵ và không thể điều hành công việc của đất nước.

Cuộc chuyển giao quyền lực này được cho là có thể ảnh hưởng tới tương lai của Saudi Arabia, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong thế giới Arab, trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở khu vực Trung Đông. Ngoài ra, chính sách dầu lửa của Saudi Arabia nói riêng và OPEC nói chung cũng có thể có những xáo trộn giữa lúc giá dầu thế giới liên tục lao dốc.

Giá dầu thế giới đã bật tăng trong phiên sáng nay do những đồn đoán về khả năng thay đổi chính sách ra sau khi vua Abdullah băng hà. Có thời điểm, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 tại New York tăng 1 USD/thùng. Lúc hơn 9h sáng theo giờ Việt Nam, giá dầu loại này tăng 0,73 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,6% so với đóng cửa đêm qua.

Theo Bloomberg, trong những ngày tới, thị trường sẽ chờ xem liệu nhà vua mới Salman có giữ nguyên ông Ali al-Naimi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia hay không. Ông Naimi, năm nay 80 tuổi, đã là người nắm quyền quyết định chính sách dầu lửa của nước này từ năm 1995. Ông cũng là quan chức có tiếng nói quan trọng nhất trong OPEC, phớt lờ mọi lời kêu gọi giảm sản lượng mà một số thành viên như Venezuela đưa ra thời gian qua.

Với sản lượng dầu 9,5 triệu thùng và mức xuất khẩu dầu 7 triệu thùng mỗi ngày, Saudi Arabia chiếm hơn 1/10 nguồn cung dầu toàn cầu và 1/5 lượng dầu xuất khẩu của thế giới. Việc Saudi Arabia quyết không cắt giảm sản lượng dầu nhằm bảo vệ thị phần trước sự nổi lên của các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ là một nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu giảm quá nửa trong thời gian từ năm ngoái đến nay.

“Nếu tôi giảm sản lượng, điều gì sẽ xảy ra với thị phần của tôi? Giá dầu tăng, thì Nga, Brazil, và Mỹ sẽ chiếm thị phần của tôi. Dù giá dầu có xuống 20, 40, 50 hay 60 USD/thùng thì cũng chẳng có nghĩa lý gì”, ông Naimi nói trong cuộc Thăm dò Kinh tế Trung Đông hồi tháng trước.

Nhiều nhà phân tích tin rằng, ghế Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia sẽ được giữ nguyên và chính sách dầu lửa của nước này sẽ không bị xáo trộn sau cái chết của vua Abdullah.

“Saudi Arabia đã đưa ra quyết định cứng rắn là sẽ chung sống với giá dầu rẻ. Ông Naimi có vị thế vững chắc, được tôn trọng, và sẽ không bị thay thế chừng nào nội các hiện tại được duy trì”, chuyên gia kinh tế trưởng Florence Eid-Oakden thuộc công ty tư vấn Arabia Monitor ở London nhận xét.

Khi còn ở cương vị Thái tử, vua Salman đã có một bài phát biểu vào hôm 6/1 thay mặt vua Abdullah nói rằng, Saudi Arabia sẽ duy trì chính sách dầu lửa trong bối cảnh căng thẳng trên thị trường dầu lửa gia tăng do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại.

“Những căng thẳng này không còn mới trên thị trường dầu, và trong quá khứ, chúng ta đã từng giải quyết những căng thẳng này bằng ý chí mạnh mẽ, sự khôn ngoan, và kinh nghiệm. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy với những diễn biến hiện nay trên thị trường dầu” - Thái tử Salman, người hiện đã trở thành vua Saudi Arabia, nói.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, với mức đóng góp lên tới 46% của dầu thô vào GDP của Saudi Arabia, nước này có thể sẽ nới lỏng chính sách hiện nay đối với dầu trong năm 2015. Nguyên nhân là chính sách hiện nay gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với Saudi Arabia và một số nước Arab khác mà Riyadh không muốn rơi vào tình trạng bất ổn.

Saudi Arabia, vương quốc 29 triệu dân, sở hữu dự trữ ngoại hối 736,23 tỷ USD, chiếm 6% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu - theo số liệu của Bloomberg. Tháng trước, Chính phủ Saudi Arabia dự báo, thâm hụt ngân sách của nước này năm nay có thể tăng lên 145 tỷ Riyal, tương đương 39 tỷ USD, từ mức 54 tỷ Riyal trong năm ngoái.

Thu ngân sách của Saudi Arabia được dự báo giảm còn 715 tỷ Riyal trong năm nay từ mức 1.046 tỷ Riyal trong năm ngoái dựa trên mức dự báo giá dầu 80 USD/thùng.