10:40 13/11/2014

Y tá Mỹ rầm rộ biểu tình vì Ebola

Diệp Vũ

Hàng chục nghìn y tá trên khắp nước Mỹ hôm qua (12/11) đã xuống đường biểu tình

Yêu cầu mà các y tá đưa ra trong cuộc biểu tình là các bệnh viện và 
phòng khám phải mua quần áo bảo hộ chống lây nhiễm che kín toàn bộ phần 
da của nhân viên y tế và mặt nạ phòng độc lọc không khí để bảo vệ họ 
khỏi nguy cơ lây nhiễm Ebola - Ảnh: Reuters.
Yêu cầu mà các y tá đưa ra trong cuộc biểu tình là các bệnh viện và phòng khám phải mua quần áo bảo hộ chống lây nhiễm che kín toàn bộ phần da của nhân viên y tế và mặt nạ phòng độc lọc không khí để bảo vệ họ khỏi nguy cơ lây nhiễm Ebola - Ảnh: Reuters.
Theo hãng tin Reuters, hàng chục nghìn y tá trên khắp nước Mỹ hôm qua (12/11) đã đình công và xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp bảo vệ giúp họ tránh bị lây nhiễm Ebola trong quá trình chăm sóc bệnh nhân . Các y tá cho rằng, các biện pháp bảo vệ mà nhà chức trách đang áp dụng hiện nay là chưa đầy đủ.

Tổ chức Liên minh Y tá Mỹ có trụ sở ở California dự kiến số y tá tham gia vào cuộc biểu tình này sẽ lên tới con số đỉnh điểm khoảng 100.000 người. Trước đó, vào hôm thứ Ba, 19.000 y tá đã bắt đầu cuộc biểu tình kéo dài 2 ngày tại các cơ sở y tế ở California để phản đối các biện pháp ngăn lây nhiễm Ebola đối với các nhân viên y tế.

Công ty cung cấp dịch vụ y tế Kaiser Permanente, nhà điều hành hầu hết các cơ sở y tế ở bang California nơi các y tá đang đình công, cho rằng, tổ chức Liên minh Y tá đang dùng Ebola như một công cụ để đưa ra các yêu sách của mình.

Yêu cầu mà các y tá đưa ra trong cuộc biểu tình là các bệnh viện và phòng khám phải mua quần áo bảo hộ chống lây nhiễm che kín toàn bộ phần da của nhân viên y tế và mặt nạ phòng độc lọc không khí để bảo vệ họ khỏi nguy cơ lây nhiễm Ebola. Y tá cũng đòn được đào tạo kỹ lưỡng hơn về quy trình chăm sóc bệnh nhân Ebola.

“Cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng là bảo vệ y tá”,  y tá Evan Brost, một người cùng hơn 30 đồng nghiệp khác biểu tình bên ngoài Nhà Trắng, phát biểu.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ tuyên bố đã đặt mua số thiết bị bảo vệ cá nhân trị giá 2,7 triệu USD để giúp các bệnh viện chăm sóc bệnh nhân Ebola. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn của y tá cho rằng, số thiết bị như vậy là chưa đầy đủ.

Hôm thứ Ba tuần này, bệnh nhân Ebola cuối cùng của Mỹ tính đến hiện tại đã khỏi bệnh và xuất viện. Đó là bác sỹ Craig Spencer ở New York, người nhiễm Ebola từ Guinea và được chẩn đoán sau khi trở về Mỹ.

Theo số liệu mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm qua, số người chết vì dịch Ebola đã lên tới 5.160 người trong tổng số hơn 14.000 người nhiễm bệnh. Trận dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử này tập trung ở ba nước Tây Phi là Sierra Leone, Guinea và Liberia.

WHO cho biết, tốc độ nhiễm mới Ebola ở Guinea và Liberia có vẻ đã chững lại, trong khi vẫn gia tăng ở Sierra Leone.