Thêm đầu mối lớn đồng hành giảm lãi suất cho vay
Một chi phí lớn vừa được cắt giảm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay
Ngày 15/1, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thông báo giảm giá sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng với tỷ lệ giảm trung bình 12% trên tất cả các sản phẩm, dịch vụ thiết kế sẵn của CIC.
Theo CIC, việc giảm phí khai thác nói trên là sự đồng hành với các tổ chức tín dụng trong thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước định hướng trong năm nay.
Trong quá trình hoạt động, khai thác thông tin tín dụng từ CIC là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, nhằm tạo cơ sở đánh giá, xếp hạng khách hàng, tổ chức vay vốn, qua đó hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay.
Mức giảm bình quân 12% nói trên là đáng kể, góp phần vào việc tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống, cùng hướng đến thực hiện giảm lãi suất cho vay.
Vì theo thông tin từ CIC, hàng năm lượng khai thác thông tin trong hệ thống lớn và tăng trưởng khá mạnh, gắn với chi phí đi kèm.
Như trong năm 2017, trung tâm này đã cung cấp trên 12 triệu báo cáo đơn lẻ cho các tổ chức tín dụng, tăng trưởng trên 34% so với năm 2016; cung cấp trên 400.000 dòng thông tin theo lô cho các tổ chức tín dụng, tăng 67% so với 2016; tỷ lệ cung cấp thông tin tự động theo thời gian thực đạt khoảng 85% cao hơn năm 2016 (là 80%).
Như vậy, sau khi Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ đầu năm nay, các ngân hàng thương mại nhà nước đã lần lượt vào cuộc giảm phổ biến 0,5%/năm, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng vừa nhập cuộc.
Để hỗ trợ thực hiện mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) sau gần 5 năm giữ nguyên, từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.
Như trên, chi phí khai thác thông tin tín dụng từ CIC hỗ trợ trực tiếp đối với các tổ chức tín dụng. Một chi phí khác nữa là phí bảo hiểm tiền gửi, nhưng chi phí này được biết hiện khó giảm cùng, do năm qua hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa đã được tăng từ 50 triệu lên 75 triệu đồng. Việc nâng hạn mức chi trả này cũng là một hướng hỗ trợ gián tiếp cho các tổ chức tín dụng.