Thêm nhiều ngân hàng báo lợi nhuận tăng đột biến
Các mức tăng trưởng 50-70%, thậm chí từ 100% không còn là hiện tượng nữa
Cuối tuần qua và đầu tuần tới, các ngân hàng thương mại bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh 2017. Mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến không chỉ ở một số hiện tượng nữa, mà mở rộng với nhiều thành viên hơn.
Nhiều năm qua, việc công bố kết quả kinh doanh của các ngân hàng, cũng như doanh nghiệp nói chung, thường tốt thì báo sớm, hạn chế thì báo sau. Nhưng với 2017 ở ngạch ngân hàng, diễn biến đang khác đi: càng về sau càng bất ngờ với những kết quả tốt.
Kết thúc năm 2017 ít ngày, thị trường đã sớm đón các con số ấn tượng từ nhiều thành viên.
Như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) vài năm gần đây cập nhật rất sớm, vì gắng nặng lỗ lũy kế trước đây đã khắc phục xong, lợi nhuận liên tục tăng trưởng mạnh và vượt xa kế hoạch trong 2017.
Tương tự, gắn với sự kiện chào sàn ngay đầu 2018, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) cũng sớm báo lãi tăng đột biến và vượt xa kế hoạch đưa ra đầu năm.
TPBank và HDBank đã gây chú ý ở tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ quý 3/2017, nên không nhiều bất ngờ. Bất ngờ có ở chỉ ít ngày gần đây, một loạt ngân hàng thương mại khác cùng công bố báo cáo tài chính chính thức, với tốc độ không kém cạnh.
Dù quy mô còn nhỏ, song Ngân hàng Kiên Long (Kienlong Bank) cho thấy kết quả kinh doanh 2017 bắt đầu chuyển biến. Lợi nhuận trước thuế đã đạt 259,5 tỷ đồng, tăng tới 71% so với năm 2016.
Có tốc độ mạnh hơn nữa, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng vừa cho biết đã đạt lợi nhuận trước thuế 1.405 tỷ đồng trong năm qua, tăng trưởng tới 100% so với cùng kỳ năm trước và đạt tới 187% kế hoạch cả năm.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính chính thức, song theo thông tin trên báo chí mới đây, Ngân hàng An Bình (ABBANK) cũng đã tạo được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên tới 115% trong năm 2017, với 619 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng so với 2016, kỷ lục đạt được trong 2017 thuộc về Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngày 20/1, ngân hàng này chính thức công bố mức lợi nhuận trước thuế gấp tới 8,5 lần so với năm 2016.
Tất nhiên, về con số tuyệt đối, mức 1.488 tỷ đồng của Sacombank phản ánh những khó khăn còn phải xử lý, ngân hàng buộc phải tích lũy nguồn lực để trích lập dự phòng dù tổng thu nhập năm qua đạt gần 8.650 tỷ đồng, cũng như chốt lại đã xử lý được 19.660 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm 2017.
Hiện vẫn còn chờ báo cáo tài chính chính thức của nhiều thành viên, dự kiến lần lượt công bố trong tuần tới. Trong đó, mức độ tăng trưởng đột biến về lợi nhuận tiếp tục chờ đợi ở Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)…
Điểm chung ở loạt thành viên trên, kết quả tăng trưởng lợi nhuận đột biến cũng như mức độ vượt xa kế hoạch đề ra từ đầu năm cho thấy: sự hồi phục và chuyển biến trong kinh doanh, hay những khó khăn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại nói chung đã thay đổi rất nhanh.
Mặt khác, chỉ tiêu kế hoạch ban đầu của năm 2017, cũng như tốc độ tăng trưởng thực tế đạt được, được so sánh trên một "nền cũ" - kết quả còn thấp hoặc hạn chế trong 2016.