16:17 09/05/2018

“Thị trường mới nổi sẽ gặp nguy nếu lợi suất trái phiếu Mỹ lên 3,5%”

Bình Minh

Nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, thì dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường mới nổi sẽ bị đảo ngược

Gần đây, lợi suất trái phiếu Mỹ giằng co quanh ngưỡng 3%.
Gần đây, lợi suất trái phiếu Mỹ giằng co quanh ngưỡng 3%.

Tình hình sẽ trở nên nguy hiểm đối với các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức 3,5% - chuyên gia của ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC vừa đưa ra cảnh báo.

Theo hãng tin CNBC, ông Frederic Neumann, đồng Giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, nói rằng thời gian qua, nhiều nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á đã thu hút được một lượng lớn vốn ngoại vào thị trường trái phiếu và chứng khoán. Nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, thì dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường mới nổi sẽ bị đảo ngược.

Gần đây, lợi suất trái phiếu Mỹ giằng co quanh ngưỡng 3%. Việc lợi suất trái phiếu Mỹ chưa vượt xa hơn khỏi mốc này là một tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư không cho rằng lạm phát ở Mỹ đang tăng mạnh.

"Về cơ bản, thị trường vẫn chưa tin rằng chúng ta đang bước vào một thời kỳ lạm phát tăng tốc kéo dài ở Mỹ, và điều này có ý nghĩa lớn đối với các thị trường mới nổi, bởi các thị trường này đã trở nên phụ thuộc nhiều vào dòng vốn từ bên ngoài", ông Neumann nói với CNBC ngày 8/5.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba tại New York, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức 3,01%.

Ông Neumann cho rằng chừng nào lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm còn ổn định ở ngưỡng hiện tại, thì dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi sẽ giữ ổn định.

Đánh giá này của vị chuyên gia đến từ HSBC được đưa ra trong bối cảnh một số nền kinh tế ở khu vực châu Á, bao gồm Ấn Độ và Indonesia, chứng kiến giới đầu tư rút vốn mạnh do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.

Trước đây, cả Ấn Độ và Indonesia đều từng là "nạn nhân" của sự thoái vốn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu chương trình bán tài sản vào năm 2013. Những đợt rút vốn như vậy có thể ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.

Mối lo này đã khiến đồng tiền của Ấn Độ và Indonesia, tương ứng là đồng Rupee và Rupiah, mất giá mạnh so với USD từ đầu năm đến nay.