09:00 01/08/2019

Thị trường trái phiếu chính phủ tháng 7: Lãi suất tiếp tục giảm

Hoài Vũ

Xu hướng giảm của lãi suất trúng thầu tiếp tục được duy trì trong tháng 7 với mức giảm khá mạnh so với tháng 6

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Huy động trái phiếu chính phủ đang khá thuận lợi khi tỷ lệ thành công đạt khá cao, dù lãi suất giảm nhiều. Trong tháng đầu tiên của quý III/2019 đã chứng kiến lượng cầu trái phiếu chính phủ khá dồi dào và điều đó góp phần không nhỏ vào việc duy trì sự sôi động của các phiên đấu thầu trong tháng 7. Xu hướng giảm của lãi suất trúng thầu tiếp tục được duy trì trong tháng 7 với mức giảm khá mạnh so với tháng 6.

Thống kê cho thấy, sau 20 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ diễn ra trong tháng 7 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Kho bạc đã huy động được tổng cộng 32.081 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. So với con số 11.320 tỷ đồng của tháng 6 liền trước, kết quả của tháng 7 tăng mạnh, gấp 2,88 lần. Tỷ lệ trúng thầu đạt 89,11%, nhỉnh hơn một chút so với tỷ lệ 87,3% của tháng 6. 

Tuy nhiên, sự sôi động và hào hứng của thị trường đã giảm hơn so với tháng 6, khi khối lượng đăng ký của tháng 7 chỉ gấp 3,258 lần so với khối lượng gọi thầu, trong khi tỷ lệ này của tháng 6 lên tới hơn 4,9 lần.

Tỷ lệ trúng thầu cao, lãi suất giảm mạnh

Trong số 6 kỳ hạn huy động được trong tháng 7, có 3 kỳ hạn đạt tỷ lệ thành công trên 90% gồm: 10 năm, 15 năm, 30 năm với tỷ lệ lần lượt. Kỳ hạn 7 năm đạt tỷ lệ thấp nhất: 20% (100 tỷ đồng trúng thầu/500 tỷ đồng gọi thầu). Kỳ hạn 5 năm đạt tỷ lệ thành công 62% (1.550 tỷ đồng trúng thầu/2.500 tỷ đồng gọi thầu). Kỳ hạn 20 năm đạt tỷ lệ thành công 63,92% (2.557 tỷ đồng trúng thầu/4.000 tỷ đồng gọi thầu). Các kỳ hạn đều có lượng đăng ký gấp từ 2,815 lần đến 3,9 lần. 

Kết quả này cũng giảm đi nhiều so với tháng 6 khi mà hầu hết việc huy động trái phiếu các kỳ hạn còn lại trong tháng 6 vừa qua rất thành công khi tỷ lệ trúng thầu đạt từ 96% -100%. 

So với tháng 6/2019, lãi suất trúng thầu tháng 7/2019 giảm trên tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn: 5 năm dao động trong khoảng 3,55%-3,75%; 7 năm: 3,97%;  10 năm: 4,44%-4,62% (giảm 0,05%-0,2%); 15 năm: 4,68%-4,94% (giảm 0,09%- 0,32%); 20 năm trong khoảng 5,15%-5,42% (giảm 0,21%- 0,43%); 30 năm trong khoảng: 5,51%-5,6% (giảm 0,25%-0,27%).

Quan sát diễn biến các tuần gần đây, giới phân tích đều nhận định là lượng cầu trái phiếu chính phủ vẫn đang tương đối tốt khi tỷ lệ trúng thầu hầu hết đều đạt mức cao và lãi suất còn có xu hướng giảm. Diễn biến này được dự báo sẽ vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian tới và tỷ lệ trúng thầu tiếp tục ở mức cao với lãi suất ở mức hiện tại hoặc giảm nhẹ.

Trên thị trường thứ cấp, theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn so với thời điểm cuối tháng trước. 

Thanh khoản thị trường thứ cấp duy trì ở mức khá cao với tổng giá trị giao dịch đạt 82,3 nghìn tỷ đồng, trong đó giao dịch repo chiếm 57% đạt 46,9 nghìn tỷ đồng, giao dịch outrights đạt 35,4 nghìn tỷ, chiếm 43% tổng giá trị giao dịch. Khối ngoại giao dịch sôi động ở cả hai chiều, mua ròng nhẹ 370 tỷ đồng, bước sang tháng thứ 09 khối này mua ròng liên tiếp trên thị trường trái phiếu thứ cấp.

Nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường 

Diễn biến thị trường trái phiếu chính phủ trong 6  tháng đầu năm 2019 cho thấy nhiều thay đổi đáng ghi nhận. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 92% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao đạt 13,26 năm. 

Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ đã được điều hành phù hợp cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ, tiếp tục duy trì ở mức thấp, bình quân ở mức 4,97% năm. Lãi suất phát hành thời điểm cuối tháng 6/2019 thấp hơn 0,2% - 0,5% so với thời điểm cuối năm 2018 ở tất cả các kỳ hạn. 

Đáng chú ý, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ có sự cải thiện căn bản với vai trò ngày càng quan trọng của các tổ chức phi ngân hàng và giảm dần tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại. 

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng, đạt khoảng 53% (tăng 0,8% so với mức 52,2% tại thời điểm cuối năm 2018), tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 47%. 

Để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu chính phủ trong những tháng cuối năm, nhiều giải pháp được tập trung theo hướng tăng thanh khoản, đa dạng hóa sản phẩm, cơ sở nhà đầu tư trái phiếu chính phủ, tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ...

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ theo hướng tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhằm giảm áp lực trả nợ của ngân sách nhà nước trong ngắn hạn; triển khai hoán đổi để kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ và hài hòa nghĩa vụ trả nợ giữa các năm, giảm đỉnh nợ; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước để điều hành về khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường, đảm bảo huy động được vốn cho ngân sách nhà nước với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu.