11:45 23/12/2016

Bình ổn giá hàng hoá Tết hướng về hàng nội

Kiều Châu

Cùng với thực hiện bình ổn giá hàng hoá Tết, cần nhấn mạnh ý thức tiêu dùng hàng Việt

Bộ Tài chính nhấn mạnh, bình ổn thị trường cần kết nối các tổ chức tín 
dụng với doanh nghiệp tham gia chương trình, gắn kết với đẩy mạnh thực 
hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, bình ổn thị trường cần kết nối các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp tham gia chương trình, gắn kết với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 06 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính triển khai thực hiện tốt các công việc về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.

Bộ yêu cầu theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá.

Riêng đối với giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi, sở tài chính phối hợp để sở giao thông vận tải tiếp nhận kê khai giá từ ngày 1/1/2017 theo quy định; tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá...

Bộ Tài chính nhấn mạnh, bình ổn thị trường cần kết nối các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp tham gia chương trình, gắn kết với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như phát động Tuần hàng Việt, phiên chợ Việt, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về khu công nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa; kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bán hàng hóa với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết của chương trình.

Đối với sở tài chính 4 tỉnh bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền về việc quản lý, sử dụng, báo cáo và quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, đảm bảo việc chi trả trực tiếp đến người dân bị thiệt hại, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, tiêu cực...