11:05 17/06/2009

Cá tra sụt giá, người nuôi cá lao đao

Nguyễn Huyền

Từ hơn hai tuần nay hầu hết người nuôi cá tra ở ĐBSCL lại một phen lao đao, vì giá cá tra liên tục sụt giảm

Hiện tốc độ phát triển cá tra nhanh hơn tốc độ phát triển thị trường, trong khi thị trường Nga đã chững lại, còn Mỹ lại đưa ra Luật Nông nghiệp (Farm Bill) để hạn chế nhập khẩu.
Hiện tốc độ phát triển cá tra nhanh hơn tốc độ phát triển thị trường, trong khi thị trường Nga đã chững lại, còn Mỹ lại đưa ra Luật Nông nghiệp (Farm Bill) để hạn chế nhập khẩu.
Từ hơn hai tuần nay hầu hết người nuôi cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lại một phen lao đao, vì giá cá tra liên tục sụt giảm.

Giá cá tra nguyên liệu chỉ ở mức 14.500 đồng/kg cá loại 1, còn cá loại 2 dao động từ 12.000-14.000 đồng/kg. Như vậy giá cá đã giảm 1.800 đồng/kg so với thời điểm tháng 5.

Điều đáng nói là giá cá tra nguyên liệu giảm vào thời điểm được cho rằng đang thiếu hụt sản lượng. Theo hầu hết ngư dân, con cá tra đã qua thời hoàng kim, vì nhiều người nuôi cá lâu năm cũng đã treo ao, còn những hộ đang nuôi thì chỉ nuôi cầm chừng!

Theo thống kê, diện tích nuôi cá tra năm 2009 giảm hơn 30% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do người nuôi cá không còn khả năng tái đầu tư hoặc còn phân vân do dự.

Cá tra đã qua thời hoàng kim

Trước đây điệp khúc “được mùa rớt giá, thất mùa thì trúng giá”, nhưng năm 2009, điệp khúc này không “ứng nghiệm” với con cá tra, vì theo dự báo sản lượng cá tra năm nay giảm mạnh, nhưng giá cá tra nguyên liệu vẫn cứ sụt giảm!

Theo ông Trần Hữu Quí - ngư dân nuôi cá ở tỉnh Đồng Tháp, năm 2008 đa số người nuôi cá bị thất thu, nhưng bắt đầu vào vụ cá năm 2009 Chính phủ có chủ trương vực dậy nghề nuôi cá tra nên nông dân lao vào nuôi loại cá này. Song hiện nay cá đã vào cuối vụ mà giá cá cứ sụt hoài, kêu nhà máy bán mà họ cứ hẹn lần hẹn lựa.

Cá thì không hoặc chưa bán được trong khi giá thức ăn cứ liên tục tăng mạnh từ tháng 4 đến nay, khiến người nuôi phải gánh chịu một khoản lỗ nhất định trên mỗi ký cá thương phẩm. Mặt khác, những tiêu chuẩn trong thu mua cá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nuôi.

Hiện nay, doanh nghiệp chỉ mua cá có trọng lượng từ 800gr đến 900gr, như vậy cứ một ao cá người nuôi mất từ 30% đến 35% thu nhập từ những con cá không đủ chuẩn, đó là chưa kể người nuôi phải bị trừ 500 đồng/kg cá, được cho là quá kích cỡ. Do đó bà con không dám  nuôi cá lớn quá 1kg, còn doanh nghiệp mà mua cá lớn thì phải “om” lại trong kho vì không có thị trường.

Theo bà con muốn có 1kg cá thịt cần 1,5 kg thức ăn, giá thức ăn hiện nay 7. 000-8.000 đồng/kg, cộng với 2.500 đồng tiền cá giống và chi phí khác, giá thành 1 kg cá đã là 14.500 đồng, nếu bán 14.500 đồng/kg thì lỗ vì phải trả lãi ngân hàng.

Giá thức ăn trong nước đang tăng không có kiểm soát, cá nuôi trong ao thì đang lớn, không thể ngừng cho ăn, cách đây 2 tháng giá thức ăn chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg, giá thành 1kg cá chỉ có 11.500 đồng/kg, bán cá từ 14.500 trở lên đã có lãi, nhưng hiện giá thức ăn tăng mạnh, giá cá lại cứ sụt khiến ngư dân lao đao.

Xuất khẩu cá tra đã bão hoà

Trong 5 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 400.000 tấn với kim ngạch 1,369 tỷ USD, giảm 5,6% về sản lượng và 9,4% về kim ngạch. Xuất khẩu thuỷ sản đã đi gần nửa chặng đường, nhưng kim ngạch thì chưa bằng 1/2 so với năm 2008 (xuất khẩu năm 2008 đạt 4,5 tỷ USD).

Ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thông thường hàng năm cứ vào tháng 6 trở đi xuất khẩu thuỷ sản bắt đầu vào mùa, do các nhà nhập khẩu mua dự trữ cho mùa Giáng sinh và Tết dương lịch, song năm nay sức mua trên thị trường thế giới chưa hồi phục, do ngân hàng các nước giảm bớt cho vay mua thuỷ sản dự trữ như các năm trước.

Sau hàng chục năm xuất khẩu thuỷ sản luôn tăng trưởng ở mức cao, đây là lần đầu tiên mà thuỷ sản trong nước xuất khẩu tăng trưởng âm.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL, kể từ hội chợ ở Brussel - Bỉ (Việt Nam chào giá cá tra 3 USD/kg) thị trường xuất khẩu cá tra đã bắt đầu xấu đi. Nguyên nhân là do thị trường đã bão hoà, các nước nhập khẩu đang tìm cách này hay cách khác để cắt giảm, nhằm ổn định thị trường.

Trong kinh doanh nếu sản xuất thừa, mất cân đối cung cầu, giá cá sụt là đương nhiên, không cần phải bận tâm quá vấn đề này mà hãy để thị trường tự điều tiết, chính trong thời điểm này nếu doanh nghiệp nào không giữ vững chất lượng, không chịu nổi sức ép sẽ phải bỏ cuộc.

Điều quan trọng là cần tính xem xuất khẩu như thế nào cho vừa sức mua của thị trường, không quá thừa cũng không quá thiếu, có như vậy mới ổn định được giá cá xuất khẩu.

Hiện tốc độ phát triển cá tra nhanh hơn tốc độ phát triển thị trường, trong khi thị trường Nga đã chững lại, còn Mỹ lại đưa ra Luật Nông nghiệp (Farm Bill) để hạn chế nhập khẩu.

Các thị trường khác như Ai Cập, Trung Đông trước đây không có vấn đề gì, nhưng hiện nước sở tại lại muốn đưa ra rào cản cho cá tra. Thị trường Italia và Tây Ban Nha cũng có biện pháp phòng vệ.

Theo các doanh nghiệp, cá tra Việt Nam có lợi thế rất lớn, với 2 đặc tính ngon và rẻ, đã có mặt khắp nơi, vì vậy vẫn có những thị trường tiềm năng đang được xúc tiến mua. Hiện nay chúng ta đã mở thêm thị trường châu Phi, Brazil, Mexico... Thông thường trong thách thức luôn có thời cơ, đôi khi thị trường mới lại tốt hơn thị trường truyền thống.