10:41 08/12/2010

Cá tra và bài toán thoát “ma trận” rào cản

Anh Minh

Dư luận trong nước đang “sôi sùng sục” với câu chuyện WWF đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ”

Trong lúc các nước Âu - Mỹ liên tục rao giảng về tự do thương mại, điều ai cũng nhận thấy là các doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới phải chịu quá nhiều thiệt thòi do thiếu một sự hỗ trợ thực chất.
Trong lúc các nước Âu - Mỹ liên tục rao giảng về tự do thương mại, điều ai cũng nhận thấy là các doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới phải chịu quá nhiều thiệt thòi do thiếu một sự hỗ trợ thực chất.
Dư luận trong nước đang “sôi sùng sục” với câu chuyện WWF đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ”.

Nhưng, những phản ứng đầy cảm xúc sẽ đem lại kết quả gì, khi đặt câu chuyện này trong bối cảnh nền thương mại thế giới đang chìm trong ma trận rào cản kỹ thuật - vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay?

Kinh tế giảm thì rào cản tăng

Sẽ không bất ngờ nếu xếp vụ việc cá tra vào… bối cảnh thương mại của khu vực châu Âu hiện nay. Tháng trước, trong một hội thảo về xuất khẩu vào thị trường châu Âu, phòng EU, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) đã cảnh báo về tình hình này.

“Hiện EU đã đưa ra và áp dụng một số quy định khá chặt chẽ trong việc bảo vệ môi trường. Theo đó doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU thì chủ tàu khai thác hải sản phải ghi đầy đủ các hạng mục trong sổ nhật ký khai thác thuỷ sản. Bên cạnh đó, các công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu phải đăng ký xác nhận thuỷ sản khai thác đối với các lô sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu thu mua…”

“Điều này cũng gây khó khăn cho việc tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với việc áp dụng các quy định mới, Uỷ ban Châu Âu (EC) cũng đẩy mạnh việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm vào nhóm hàng thuỷ sản, nông sản, mật o¬ng, kiểm tra xuất xứ hàng Việt Nam, điều tra gian lận thương mại”, một quan chức của Bộ Công Thương nói.

Kinh tế khu vực châu Âu đang vào giai đoạn khó khăn khi mà đồng tiền chung châu Âu (Euro) liên tục mất giá, vừa rơi xuống mức 1 euro đổi được hơn 1,29 USD và khủng hoảng nợ công vẫn còn lơ lửng.

Các chuyên gia của EC dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của khu vực đồng Euro và cả khối EU sẽ chỉ đạt tương ứng 1,7% và 1,8% và năm 2011 cũng chỉ có thể đạt mức tăng trưởng nhẹ, lên 1,8% và 2%. Hai nước dính vào khủng hoảng nợ công thậm chí tăng trưởng âm, gồm Hy Lạp (- 4,2%) và Ireland chỉ đạt mức (-0,2%).

Kinh tế khó khăn là cơ sở để các rào cản kỹ thuật xuất hiện. Các hiệp hội doanh nghiệp của các nước châu Âu, với sự hậu thuẫn của đội ngũ luật sư và cả… tình báo kinh tế, luôn biết cách tìm ra các điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh, cụ thể là các nhà nhập khẩu đến từ các châu lục khác.

Môi trường bị hủy hoại và biến đổi khí hậu là những căn cứ không thể tốt hơn để các hiệp hội doanh nghiệp dựa vào đó để lobby cho việc sửa đổi hoặc đưa ra các điều luật, tiêu chuẩn… liên quan đến hàng nhập khẩu để cạnh tranh không lành mạnh.

Sự thống nhất của thị trường châu Âu, trên phương diện nào đó là lợi thế cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, thì giờ đây lại là điểm bất lợi. Từ chối mặt hàng cá tra của Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành một phản ứng dây chuyền.

Vấn đề là một khi các vụ việc xảy ra, những phát biểu hay tuyên bố sẽ ít ý nghĩa bằng việc phải đối phó với vụ việc đó như thế nào. Làm sao để gỡ bỏ hoặc thay đổi các rào cản để giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp, khi mà Việt Nam đã có nhiều trải nghiệm cay đắng trong các vụ kiện bán phá giá trước đây?

Vai trò Chính phủ

Khuyến cáo của WWF đưa ra vào ngày 19/11, thì mất hai tuần sau công chúng mới được biết đến câu chuyện này nhờ vào thông tin của… Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Chính thức đưa ra phản ứng đầu tiên bằng việc gửi thư phản đối cho WWF, và sau đó tổ chức họp báo để đưa ra thông điệp phản đối, lại cũng là… VASEP.

Nhiều người tự hỏi vai trò của các bộ ngành trong câu chuyện này thế nào? Vì sao các bộ chức năng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hay Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp Quốc gia Việt Nam về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TBT Việt Nam) chưa có ý kiến cụ thể nào về câu chuyện này?

Về lý thuyết, trong không gian hội nhập, các vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải do các doanh nghiệp đảm nhận lấy. Nhưng trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng, sự hậu thuẫn của các cơ quan Chính phủ, chẳng hạn một công thư phản đối gửi cho WWF, sẽ có ý nghĩa nhiều hơn.

Trong lúc các nước Âu - Mỹ liên tục rao giảng về tự do thương mại, điều ai cũng nhận thấy là các doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới phải chịu quá nhiều thiệt thòi do thiếu một sự hỗ trợ thực chất.

Tuần trước, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã công bố Sách trắng 2010, trong đó đưa ra nhiều khuyến nghị về thương mại và đầu tư. Thông điệp của Eurocham là Việt Nam cần dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư để thiết lập một nền tảng giao thương tự do.

Sẽ tốt hơn nhiều nếu các lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành, trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và hội nghị CG, kịp “cập nhật” với cộng đồng doanh nghiệp EU nói riêng và các quốc gia khác nói chung câu chuyện cá tra để đưa ra một thông điệp.

“Ẩn số” WWF

WWF tự nhiên trở nên “nổi tiếng” trong hai ngày qua tại Việt Nam vì câu chuyện cá tra. Trước nay, WWF chỉ được biết tới như là một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã và hoạt động phi lợi nhuận.

Và vì WWF là một tổ chức phi lợi nhuận, hành trình phản đối của các doanh nghiệp Việt Nam là không đơn giản như là khi phản đối một chính phủ. Nhưng trong một thế giới mà lợi ích đan xen, khi các tổ chức phi chính phủ cũng có thể nhận tài trợ từ các hiệp hội doanh nghiệp, tính chất “phi lợi nhuận” cũng có thể bị nghi ngờ.

Sau khi thông tin về vụ cá tra được công bố, WWF Vietnam đã có thông cáo báo chí chính thức về vụ việc này. Thông báo khá dài nhưng tập trung cho một số ý cơ bản:

- Ba tổ chức phi chính phủ bao gồm WWF, Hội Bảo tồn sinh vật biển (MSC) và Quỹ Biển Bắc (NSF) cùng tham gia phát triển phương pháp đánh giá. Phần đánh giá thực địa do một tư vấn độc lập thực hiện. WWF Việt Nam không tham gia tiến trình này, bao gồm cả phát triển phương pháp đánh giá lẫn đánh giá thực địa. 

- Cẩm nang hướng dẫn này được xuất bản hàng năm tại một số quốc gia nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây không phải là rào cản pháp lý đối với thương mại quốc tế. 

- WWF Việt Nam nhận được nhiều phản hồi từ phía Việt Nam về kết luận của đánh giá. WWF Việt Nam đang tích cực làm việc với VASEP và các đồng nghiệp tại một số quốc gia châu Âu để làm rõ các tiêu chí và phương pháp đánh giá đã sử dụng để đảm bảo rằng các phản hồi cần thiết sẽ được cung cấp trong thời gian sớm nhất.  

Nhưng đồng thời, WWF Việt Nam nhấn mạnh đến việc “cam kết hợp tác với các bên liên quan, giúp cải thiện tính bền vững cho ngành thủy sản. Chúng tôi cam kết tiếp tục những nỗ lực của mình đối với ngành nuôi trồng cá tra, cá basa và tôm của Việt Nam”. Ngoài ra, “WWF ủng hộ tất cả các bộ tiêu chuẩn để cải thiện an toàn thực phẩm và tính bền vững về mặt xã hội và môi trường của ngành nuôi trồng thủy sản bao gồm Global Gap, SQF và ASC”.

Thông báo của WWF khẳng định WWF Việt Nam không tham gia vào tiến trình đánh giá, cũng như khẳng định đây không phải rào cản kỹ thuật và hứa “làm việc” với các nước châu Âu, cũng như tôn trọng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tính bền vững về mặt xã hội và môi trương. Dễ nhận thấy là WWF Việt Nam không phản đối lại WWF toàn cầu trong vụ việc này mà trên phương diện nào đó lại là ủng hộ.

Cam kết của WWF Việt Nam, theo đó sẽ “hợp tác với các bên liên quan, giúp cải thiện tính bền vững cho ngành thủy sản” còn đáng chú ý hơn nhiều.

Dự thảo hoàn chỉnh về tiêu chuẩn toàn cầu cho việc nuôi cá tra, basa tại Việt Nam đã và đang được WWF tích cực xây dựng trong ba năm qua. Bộ tiêu chuẩn này, dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm 2011, sẽ đưa ra các tiêu chí cụ thể về tuân thủ pháp luật, sử dụng đất và nước, ô nhiễm nước, quản lý thức ăn nuôi, hóa chất, sức khỏe và an toàn người nuôi đối với cá tra (pangasianodon hypophthalmus) và cá basa (pangasius bocourti) trong tất cả hệ thống sản xuất và ở mọi quy mô.

Về lý thuyết, một bộ tiêu chuẩn như vậy là rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với các tiêu chuẩn quốc tế, để trong tương lai sẽ tránh được các rắc rối thương mại.

Nhưng suốt ba năm qua, theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, song song với việc xây dựng và chuẩn bị áp dụng bộ tiêu chuẩn này, thì các chuyên gia, cố vấn của WWF đã thu thập được dữ liệu rất đầy đủ và chi tiết về hiện trạng và tình hình phát triển của ngành công nghiệp nuôi cá tra, basa của Việt Nam…

* Năm 2008, Việt Nam đã cung cấp cho thế giới 625.000 tấn sản phẩm cá tra, trị giá 1,4 tỷ USD. 10 tháng năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 538.201 tấn sản phẩm cá tra, giá trị trên 1,1 tỷ USD, cho 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục.

Riêng thị trường EU, năm 2008 đã nhập khẩu và tiêu thụ 224.311 tấn sản phẩm cá tra, giá trị 581,5 triệu USD, chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam. Số liệu trong 10 tháng qua cho thấy thị trường này đã  tiêu thụ 184.360 tấn, trị giá 423 triệu USD, chiếm 36,8%..