Chuối Philippines “sợ” chuối Việt Nam
Việt Nam nằm trong số quốc gia đe dọa lấy đi vị thế nước xuất khẩu chuối lớn nhất châu Á của Philippines
Báo Manila Times của Philippines mới đây đã có bài viết nhận xét chung về tình hình xuất khẩu chuối của khu vực Đông Nam Á, trong đó có nhận định rằng chuối của Việt Nam là một đối thủ “đáng gờm” của chuối Philippines.
Một số nước xuất khẩu chuối tại châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đang đe dọa lấy đi vị thế nước xuất khẩu chuối lớn nhất châu Á và thứ nhì thế giới của Philippines, đó là nhận định của Hiệp hội Trồng và Xuất khẩu chuối Philippines (PBGEA).
Theo PBGEA, giới chuyên gia lo ngại sau khi xuất khẩu đường, cà phê và dầu dừa của Philippines đi xuống, tiếp đến ngành chuối sẽ mất đi vị thế thống trị thị trường thế giới. Chính vì vậy, hiệp hội này đang gây sức ép kêu gọi Chính phủ thương lượng với các đối tác nhập khẩu nhằm giảm thuế, nếu không họ sẽ mất thị trường.
Chuối của Philippines vẫn còn nằm trong danh sách không được miễn thuế của các đối tác thương mại. Chính vì thế hiện nay, các nước nhập khẩu chuối của Philippines phải nộp thuế từ 10 đến 40% tổng giá trị hàng nhập. Trước tình hình cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước láng giềng, các công ty xuất khẩu chuối Philippines lo sợ sẽ không bán được hàng.
Các công ty xuất khẩu chuối Philippines còn lo ngại việc chi phí sản xuất tăng cao qua các năm, chính vì vậy một số tập đoàn đa quốc gia hiện đang đầu tư trồng chuối ở Philippines đã cân nhắc đến việc chuyển hoạt động sang một số nước khác có môi trường đầu tư thân thiện và chi phí lao động thấp hơn.
Không ít tập đoàn như vậy đã nhận được lời mời mở đồn điền ở Việt Nam.
Không ít tập đoàn như vậy đã nhận được lời mời mở đồn điền ở Việt Nam.
Hiện nay, Philippines là nhà xuất khẩu chuối chính cho các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand. Chuối chiếm 48,7% trong tổng lượng hoa quả nhập khẩu cùa Hàn Quốc, trong đó nguồn cung từ Philippines lên tới 98,7%.
Tuy nhiên, Việt Nam, Indonesia, Mozambique, Costa Rica đang âm thầm thâm nhập thị trường này.
Tuy nhiên, Việt Nam, Indonesia, Mozambique, Costa Rica đang âm thầm thâm nhập thị trường này.
Thư kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Thương mại Philippines của Chủ tịch PBGEA có đoạn viết: “Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các nhà nhập khẩu Nhật chuyển sang nhập hàng từ các nước có mức thuế quan bằng không để giảm thiểu chi phí, như vậy, xuất khẩu chuối của Philippines sẽ suy giảm.”
Đối thủ Việt Nam
Theo Manila Times, hiện tại Việt Nam đang trồng một số loại chuối khác với những loại thường được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ sớm chuyển dịch cơ cấu cây trồng để xuất khẩu những loại chuối hiện đang phổ biến trên thị trường quốc tế.
Manila Times còn dẫn lời ông Nguyen Van Khai, một chuyên gia tư vấn nông nghiệp, rằng chuối nằm trong 14 loại hoa quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nông dân Việt Nam đang trồng chuối thay cho gạo trong khoảng 10% tổng diện tích đất canh tác lúa gạo. Từ trước đó, Việt Nam đã có hơn 90 nghìn héc ta đất trồng chuối.
Phía Philippines ước tính Việt Nam sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chuối/năm. Tổng diện tích đất trồng chuối tương đương khoảng 20% tổng diện tích đất trồng các cây ăn quả.
Gần đây, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu chuối của Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam được cho là vẫn đang thiếu chuối để xuất khẩu.
Tuy vậy, Manila Times cũng nhận xét công nghệ bảo quản chuối của Việt Nam hiện chưa đạt chuẩn quốc tế, và vì vậy chỉ một số ít sản phẩm của Việt Nam được cấp phép vào thị trường giàu có như Nhật. Thế nhưng vấn đề này có thể sớm được giải quyết, khi Việt Nam chú ý nhiều hơn đến công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Tổng giá trị xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam năm 2014 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2013. Quý đầu tiên của năm 2015, giá trị xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam đạt 215 triệu USD, tăng 32,3% so vơi cùng kỳ.
5 đối tác nhập khẩu rau hoa quả lớn nhất của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu nhiều rau hoa quả nhất vào thị trường Trung Quốc.