14:01 28/05/2015

“Có doanh nghiệp chống lưng, sẽ ít bi kịch nông sản”

Đoàn Trần

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
“Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mà quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nơi nào nông dân có doanh nghiệp chống lưng thì vấn đề tiêu thụ ổn, bi kịch nông sản đổ thừa, đổ bỏ ít xảy ra”, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nếu quan điểm.

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Có đại biểu Quốc hội nhận xét rằng, những bế tắc của ngành nông nghiệp 15 năm trước thế nào tới giờ vẫn thế. Xin cho biết suy nghĩ của ông?

Tôi cho rằng những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp với nhiều chính sách, giải pháp đã được đề ra và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, bài toán nông nghiệp vẫn cần có những đánh giá, phân tích kỹ hơn để đề ra những định hướng, giải pháp căn cơ hơn.

Những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp so với cùng kỳ nhiều năm nay. Giai đoạn 2011- 2015, tăng trưởng quý 1 của khu vực nông nghiệp năm 2011 tăng 5,02%; năm 2012: 2,84%; năm 2013: 2,24%; năm 2014: 2,68% và 4 tháng đầu năm 2015 chỉ còn ở mức tăng 2,14%.

Xuất khẩu nông sản sụt giảm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm mạnh cả về quy mô và giá cả, như thủy sản giảm 15%; cà phê giảm 38,2% về giá và 40,5% về lượng; gạo giảm 5% giá và 0,5% về lượng....

Nguyên nhân sự sụt giảm trên đã được các bộ, ngành liên quan chỉ ra như do quy hoạch, do thiếu liên kết giữa đầu vào đầu ra, do tuyên truyền chưa tốt... Còn theo ông, nguyên nhân chính do đâu?

Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mà quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nơi nào nông dân có doanh nghiệp chống lưng thì vấn đề tiêu thụ ổn, bi kịch nông sản đổ thừa đổ bỏ ít xảy ra.

Ví dụ như những cánh đồng mẫu lớn của bà con nông dân gắn với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, hoặc chăn nuôi bò sữa gắn với Vinamilk thì sản xuất rất ổn định, thị trường bền vững.

Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn với các hợp đồng nông sản một cách có bài bản. Như với dưa hấu hiện nay, xuất khẩu mới dựa vào 12 doanh nghiệp rời rạc, không có sự liên kết, cũng không có hợp đồng nông sản với nông dân, chỉ là đi gom hàng rồi vận chuyển sang Trung Quốc bán thì khó mà có thể hiệu quả được.

Nhiều người nói chuyện dưa hấu, hành tím vừa rồi chủ yếu là do vấn đề quy hoạch, kế hoạch. Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Ví dụ như với đất cát Quảng Nam thì chỉ trồng dưa hấu chứ có trồng được cây gì khác nữa, trồng dưa hấu là tối ưu nhất rồi.

Tất nhiên, vấn đề quy hoạch, kế hoạch hết sức quan trọng. Chúng ta còn nhiều vấn đề phải làm để hoàn thiện, tổ chức tốt khâu quy hoạch, kế hoạch trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, về tổ chức sản xuất, còn phải quan tâm đến công tác thu hoạch, chế biến, phân loại, sơ chế nông sản và tổ chức thị trường trong nước một cách cơ bản và chủ động hơn.

Bên có bên không, làm sao bình đẳng được?


Ông có tin rằng, thị trường Trung Quốc là một lối thoát khả thi cho nông sản Việt Nam?

Tôi và đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đến tận cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để khảo sát thì thấy bán dưa hấu sang Trung Quốc cũng chưa đáng bao nhiêu, trong khi thị trường còn rộng lớn lắm. Nhưng để ít rủi ro hơn khi tiếp cận thị trường này, rõ ràng còn nhiều vấn đề cần đặt ra.

Thứ nhất, như với dưa hấu, khối lượng vận tải lớn mà giá trị thì nhỏ. Mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được khoảng 300 xe mà số lượng có ngày lên đến 1.200 xe thì ách tắc là điều khó tránh khỏi.

Cho nên, trước hết,  phải làm tốt công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận tải rồi mới đến tiêu thụ... Tôi nghĩ, những chuyện này chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Thứ hai, là về vấn đề bình đẳng thương mại tại cửa khẩu. Cửa khẩu Tân Thanh chúng ta gọi là cửa khẩu chính nhưng Trung Quốc chỉ coi là cặp chợ. Làm sao bình đẳng thương mại được khi bên kia có chợ mà bên ta thì không. Đây cũng là một nguyên nhân chính của việc ách tắc các sản phẩm nông sản.

Vì sao lại có tình trạng không bình đẳng như vậy, thưa ông?

Chúng ta chưa có cách tổ chức tốt giữa thương mại trong nước gắn với thương mại biên giới, trong khi hàng của doanh nghiệp Trung Quốc sang qua cửa khẩu cứ đàng hoàng tiến vào đất của ta, bởi hàng hóa của họ đều có hợp đồng thương mại.

Như với dưa hấu, 12 doanh nghiệp xuất khẩu dưa hấu của chúng ta không thấy xuất hiện, chỉ những người chở thuê sang tận Trung Quốc rồi giá cả, thanh toán thế nào cũng không biết. Như vậy thì bình đẳng thương mại sao được. Vì thế, các dịch vụ tại cửa khẩu ta cũng không được hưởng lợi là bao.

Cùng đó, chúng ta chưa có các chính sách đầu tư đột phá về hạ tầng tại các cửa khẩu thương mại, đặc biệt là chợ đầu mối nông sản cửa khẩu, các khu trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng yêu cầu mua bán, vận chuyển bảo quản hàng hóa.

Ví dụ như ở Tân Thanh, nếu chúng ta có chợ đàng hoàng như họ, người Trung Quốc phải sang mua hàng hóa Việt Nam tại chợ Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta tổ chức tốt khâu tiêu thụ nội địa, liên kết tốt giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau và giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp.

Tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính ở cửa khẩu... thì việc ách tắc và ép giá ở cửa khẩu có thể giải quyết được.