07:57 07/07/2015

Giá dầu sụt giảm gần 8% vì bất ổn Hy Lạp

An Huy

Trong 4 phiên giao dịch vừa qua, giá dầu đã giảm tổng cộng hơn 10%, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất từ đầu tháng 1

Giá dầu bắt đầu giảm từ tuần trước và tốc độ giảm được đẩy nhanh trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Giá dầu bắt đầu giảm từ tuần trước và tốc độ giảm được đẩy nhanh trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Thị trường dầu thô thế giới đã trải qua một phiên bán tháo mạnh mẽ vào ngày 6/7, có thời điểm giảm tới 8%, do bất ổn gia tăng trong cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và nguy cơ sụt giảm sâu hơn của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Hãng tin Reuters cho biết, gia tăng thêm sức ép mất giá cho “vàng đen” là việc Iran và các cường quốc đang nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận hạt nhân đúng hạn chót 7/7.

Giá dầu bắt đầu giảm từ tuần trước và tốc độ giảm được đẩy nhanh trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/7. Trong 4 phiên giao dịch vừa qua, giá dầu đã giảm tổng cộng hơn 10%, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất từ đầu tháng 1, đồng thời chấm dứt xu hướng giằng co trong biên độ hẹp đã kéo dài vài tuần trước đó.

Đáng chú ý, giá dầu thô Brent tại thị trường London, được coi là giá tiêu chuẩn cho thị trường dầu toàn cầu, đã giảm xuống dưới mốc 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ giữa tháng 4.

“Bên cạnh một số nhân tố gây sức ép giảm giá lên thị trường dầu hiện nay, nhân tố duy nhất hỗ trợ cho giá dầu là nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu vào mùa hè. Nhân tố này sẽ sớm không còn nữa”, ông John Kilduff, nhà quản lý quỹ thuộc Again Capital ở New York, nhận xét.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 4,4 USD/thùng, tương đương mức giảm 7,7%, còn 52,23 USD/thùng và tuột khỏi ngưỡng trung bình 100 ngày.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu thô tại Mỹ kể từ đầu tháng 2. Theo các chuyên gia phân tích kỹ thuật, đà giảm hiện nay có thể đẩy giá dầu ngọt nhẹ về ngưỡng 42 USD/thùng, thấp nhất trong 6 năm thiết lập hồi giữa tháng 3.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giảm 3,78 USD/thùng, tương đương giảm 6,3%, còn 56,54 USD/thùng, cũng dưới mức trung bình 100 ngày.

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật vừa rồi, người dân Hy Lạp bỏ phiếu chống với các điều kiện “thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ quốc tế đòi nước này phải áp dụng để được đổi lấy tiền cứu trợ. Diễn biến này làm gia tăng khả năng Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone, khiến đồng Euro mất giá so với USD.

Việc đồng USD tăng giá so với Euro cũng gây thêm áp lực giảm giá đối với các loại hàng hóa cơ bản.

Ngoài ra, giới đầu tư hàng hóa còn lo ngại trước việc thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm khoảng 30% kể từ tháng 6. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang tiếp tục xu hướng giảm tốc, kéo theo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và các hàng hóa đầu vào khác.

Tại Vienna, Áo, cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc chưa đi đến hồi kết. Nếu đạt được, thỏa thuận này có thể mở đường cho việc Iran được nới lệnh trừng phạt, từ đó tăng mạnh mức xuất khẩu dầu, khiến tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu gia tăng thêm. Tuy vậy, các nhà đàm phán nói hạn chót 7/7 có thể sẽ được kéo dài thêm nếu các bên chưa đạt thỏa thuận.

Do lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm từ mức 2,5 triệu thùng/ngày vào năm 2011 xuống còn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2014.

Bên cạnh đó, giá dầu còn giảm do những tín hiệu cho thấy các công ty dầu đá phiến của Mỹ đang tăng hoạt động khoan tìm dầu. Tuần trước, số giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.